Tối 28/12, tại Quảng trường Hồ Chí Minh thuộc Trung tâm thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1/1/1997-1/1/2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An và Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự.
Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương; đại diện một số Đại sứ quán tại Việt Nam.
Đọc diễn văn kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã điểm lại quá trình hình thành và phát triển của Vĩnh Phúc.
Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa IX, Vĩnh Phúc được tái lập sau 29 năm hợp nhất với tỉnh Phú Thọ. Chính thức được tái lập từ ngày 1/1/1997, Vĩnh Phúc bao gồm 9 đơn vị hành chính với 137 xã, phường, thị trấn. Tỉnh nằm ở vùng đỉnh của châu thổ sông Hồng, khoảng giữa của miền Bắc, khu vực chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng.
Cách đây 20 năm, khi mới tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc còn là một miền quê nghèo, kinh tế nông nghiệp bước đầu có những chuyển biến tích cực nhưng đất canh tác ở Vĩnh Phúc khá nhỏ hẹp, đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Năm 1997, cơ cấu kinh tế là nông nghiệp 52%, dịch vụ 36%, công nghiệp 12%, thu ngân sách đạt gần 100 tỷ đồng.
Từ chỗ chỉ có một khu công nghiệp với quy mô 50 ha, đến nay, tỉnh có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng phê duyệt với diện tích 5,5 ngàn ha, trong đó có 11 khu đã được thành lập với diện tích 2,3 ngàn ha. Hàng loạt doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến Vĩnh Phúc hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định với nhiều sản phẩm chủ lực, có giá trị, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách và gia tăng xuất khẩu cho tỉnh như: Toyota, Honda, Piagio, Deawoo Bus, Tập đoàn Prime, Thép Việt - Đức...
Sau 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định và nâng cao vị thế so với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Vĩnh Phúc đã thu hút được 856 dự án, gồm 227 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký đạt 3,4 tỷ USD và 629 dự án đầu tư trong nước (DDI) với số vốn đăng ký 49,2 ngàn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng của Vĩnh Phúc nhiều năm đạt mức cao, có những năm đạt trên 20%, bình quân giai đoạn 1997 – 2016 ước đạt 15,37%. Ước đến năm 2016, quy mô nền kinh tế tăng trưởng gấp 39,5 lần so với năm 1997 và đạt 77,2 ngàn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng 33,2 lần, từ 2,18 triệu đồng lên 72,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm xấp xỉ 70%...
Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối và có điều tiết cho ngân sách Trung ương. Năm 2009, thu ngân sách vượt mốc 10 ngàn tỷ đồng, đến năm 2014 đạt “mốc son” mới - vượt 20 ngàn tỷ đồng và ước thực hiện năm 2016 đạt hơn 30 ngàn tỷ đồng (tăng khoảng 280 lần so với năm 1997); trong đó thu nội địa nhiều năm liền đứng thứ hai miền Bắc, chỉ sau thành phố Hà Nội.
Với nguồn thu ngân sách lớn, Vĩnh Phúc có chủ trương đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 68/112 xã và hai huyện Yên Lạc, Bình Xuyên đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến hết năm 2016 có thêm 24-28 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Học sinh của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực…
Tại buổi lễ, ghi nhận những thành tựu mà Vĩnh Phúc đã đạt được, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các đại biểu cùng toàn thể nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh.
Nhấn mạnh Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi lưu giữ nhiều dấu tích minh chứng về người Việt cổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, qua quá trình phát triển, với những tên gọi, địa giới hành chính khác nhau nhưng Vĩnh Phúc luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới, nhất là sau 20 năm tái lập tỉnh đến nay, phát huy tiềm năng, lợi thế là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã đi đầu trong đổi mới, vượt qua khó khăn, thu được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế.
Ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, nhất là sau 20 năm tái lập tỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới Vĩnh Phúc cần quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, duy trì thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt và rất tốt; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Vĩnh Phúc cần phát huy hơn nữa tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, tập trung thực hiện các giải pháp năng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo môi trường và động lực mới cho phát triển; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Vĩnh Phúc chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao, mở rộng các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Cùng với đó là thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc gia đình chính sách, người có công và nâng cao cuộc sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tỉnh cần tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn với bảo vệ, gìn giữ phát huy gía trị di sản văn hóa của địa phương.
Cùng với bảo đảm anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Vĩnh Phúc cần chủ động nắm chắc tình hình dư luận xã hội, làm tốt công tác dân vận, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, không để trở thành điểm nóng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Vĩnh Phúc tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), nhất là Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới công tác cán bộ, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, với truyền thống của vùng đất giàu truyền thống cách mạnh và anh hùng, Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy những thành tựu và kinh nghiệm có được trong quá trình đổi mới, đặc biệt là sau 20 năm tái lập, tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.