Chiều 16/3, trong chuyến công tác tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo công tác bầu cử thành phố Cần Thơ.
Cùng tham dự có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.
Báo cáo tình hình chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố cho biết, Cần Thơ đã thành lập 93 Ủy ban bầu cử các cấp, trong đó gồm Ủy ban bầu cử thành phố, 9 Ủy ban bầu cử cấp huyện và 83 Ủy ban bầu cử cấp xã.
Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập 3 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 11 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện đã thành lập 66 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn đã thành lập 488 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 với cơ cấu, thành phần và số lượng theo đúng luật định. Dự kiến trên địa bàn thành phố có khoảng 946 tổ bầu cử.
[Thành phố Cần Thơ thành lập ban bầu cử tại các địa phương]
Đến 17 giờ ngày 14/3/2021, Ủy ban bầu cử thành phố đã tiếp nhận 15 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (trong đó có 2 hồ sơ tự ứng cử); 108 hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 (trong đó có 2 hồ sơ tự ứng cử); đã lập biên bản kết thúc việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định.
Tổng số người được giới thiệu ứng cử, tự ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, cấp xã tại Cần Thơ là 4.801 người, trong đó cấp huyện là 618 người, cấp xã là 4.183 người.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đánh giá thành phố Cần Thơ đã có báo cáo với đề cương giám sát, kiểm tra khá đầy đủ.
Trong năm 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ngay đầu năm; cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị lớn thứ hai.
Việc triển khai công tác bầu cử, nhất là sau Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Việc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, của Hội đồng bầu cử quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng, Chính phủ và các văn bản liên quan, thành phố Cần Thơ làm rất làm nghiêm túc.
Sau hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia, Cần Thơ đã làm trực tuyến để triển khai, quán triệt về tận cơ sở. Cùng với đó, thành phố đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chi tiết cụ thể về bầu cử một cách đồng bộ, nhịp nhàng…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử tại Cần Thơ cơ bản đã xong. Cần Thơ thành lập 3 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 11 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tương ứng 11 đơn vị bầu cử. Cơ cấu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đều đạt hướng dẫn…
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian tới, sau Hội nghị hiệp thương lần hai, Cần Thơ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng tới bầu cử; chú ý công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong ngày bầu cử 23/5/2021; chủ động các phương án để bảo đảm y tế nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Khi niêm yết danh sách nếu cần giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền, tuân theo nguyên tắc.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban bầu cử thành phố Cần Thơ chuẩn bị tập trung sau khi niêm yết danh sách, cần tạo thuận lợi, nhất là địa điểm bỏ phiếu, tập huấn nghiệp vụ, tài liệu cần cải tiến thêm.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Văn phòng Ủy ban bầu cử quốc gia hướng dẫn cung cấp tài liệu kịp thời để phục vụ in ấn tài liệu tuyên truyền về bầu cử, hỏi-đáp về bầu cử đảm bảo đầy đủ và đúng quy định.
Nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia lưu ý Cần Thơ thường xuyên cập nhật tài liệu, văn bản hướng dẫn của Trung ương; tăng cường thực hiện hỏi-đáp về bầu cử, về tuyên truyền qua sóng phát thanh, truyền hình để người dân nắm được thông tin; triển khai tập huấn nghiệp vụ bầu cử; phân công thành viên kiểm tra, giám sát cũng như chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất nhằm bảo đảm phục vụ tốt công tác bầu cử ở địa phương…/.