Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định việc các doanh nghiệp viễn thông có “bắt tay” nhau, lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường để tăng giá cước 3G gây hại cho người tiêu dùng hay không. Hiện Cục Quản lý Cạnh tranh đang làm việc với các doanh nghiệp để xem có dấu hiệu đó không, và sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thông tin trên được ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra trong cuộc họp báo về một số nội dung quản lý viễn thông, mà tiêu điểm chính là việc nhà mạng tăng cước 3G hàng loạt vào chiều nay, 8/11.
Về việc nhà mạng có nhiều gói cước “giống nhau” khiến dư luận nghi ngờ các doanh nghiệp “bắt tay,” ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay có tất cả 42 gói cước 3G thì chỉ có 3 gói có cách tính giống nhau. Tuy nhiên, có nhiều gói cước của MobiFone và VinaPhone giống nhau bởi các đơn vị này là doanh nghiệp “cùng một mẹ.”
Cũng tại cuộc họp báo, phía Bộ Thông tin và Truyền thông một lần nữa đưa ra các sở cứ khiến họ đồng ý cho nhà mạng tăng cước.
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, thực hiện chủ trương “từng bước điều chỉnh giá cước các dịch vụ hiện nay còn thấp hơn giá thành để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế” được quy định tại Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020,” đầu năm 2013 Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông rà soát giá cước, báo cáo giá thành và xây dựng phương án điều chỉnh giá cước đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Thực hiện yêu cầu trên, trong tháng 8-9/2013, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (Mobifone, Vinaphone, Viettel) đã lần lượt gửi hồ sơ đến Bộ Thông tin và Truyền thông để đăng ký điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G.
Khi thẩm định việc đăng ký điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của các doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông, về giá, về cạnh tranh và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Theo đó, giá cước phải xác định trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường, mặt bằng giá cước khu vực, thế giới; bảo đảm môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế và các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.
“Doanh nghiệp báo cáo giá thành và được Bộ xác nhận thì giá thành trung bình kế hoạch của năm 2013 đối với dịch vụ dữ liệu 3G là 184,4 đồng/MB (đã bao gồm VAT). Trong khi mức giá cước trung bình trên thị trường là 100 đồng/MB (đã bao gồm VAT) chỉ bằng 54% giá thành,” ông Phạm Hồng Hải, nói.
Sau khi tăng, giá 3G của Việt Nam trung bình là 111 đồng/MB chỉ bằng 34,9% mức giá cước trung bình của khu vực ASEAN là 318 đồng/MB.
Ông Hải cũng chia sẻ, tính đến quý II/2012, các doanh nghiệp đã đầu tư 27.779 tỷ đồng để triển khai 3,5G với khoảng 44.000 trạm phát sóng. Hiện, theo ước tính của ông Lê Nam Thắng thì con số đầu tư đã vượt trên 30.000 tỷ đồng.
Cũng theo người đứng đầu Cục Viễn thông, trong đợt thay đổi cước vừa qua, nhà mạng có gói tăng, gói giảm và đưa ra một số gói cước mới. Mức độ điều chỉnh trung bình về giá cước đối với các gói cước tăng là 15%, các gói cước giảm là 4,9%. Nếu tính cả mức điều chỉnh tăng do thay đổi phương thức tính cước từ 10KB+10KB sang 50KB+50KB thì tổng mức điều chỉnh trung bình tăng khoảng 20%.
Bên cạnh đó, trong số 91,2 triệu thuê bao điện thoại di động phát sinh cước trong tháng 9/2013 chỉ có 18,9 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G (chiếm tỷ trọng 20,77%). Trong số này, sau khi điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G có 2,72% số thuê bao được điều chỉnh giảm giá; 9,38% số thuê bao được giữ nguyên giá cước và chỉ có 8,66% số thuê bao bị tăng giá./.
Chưa có con số tăng doanh thu sau khi tăng 3G Về vấn đề nhà mạng sẽ tăng doanh thu bao nhiêu từ việc tăng giá 3G, phía Cục viễn thông cho biết về nguyên tắc con số này doanh nghiệp phải báo cáo với Cục. Tuy nhiên, việc tăng hay giảm doanh thu còn phụ thuộc vào phía lưu lượng 3G được người dùng sử dụng bao nhiêu và con số này cần có thời gian… |