Liệu có bão từ “đổ bộ”?

Chưa thể khẳng định bão từ “đổ bộ” trong năm nay

Chuyên gia cao cấp về vật lý địa cầu trả lời về việc có hay không bão từ “đổ bộ” trái đất năm 2013, theo chu trình 11 năm “tái xuất.”
Theo các nhà khoa học, cho dù không gây thiệt hại khủng khiếp như động đất, sóng thần, song khi bão từ xảy ra, những người bị bệnh tim mạch, thần kinh, xương khớp hay các hệ thống công nghệ như đường dây truyền tải điện cao áp, hệ thống ống dẫn dầu khí, vệ tinh nhân tạo… sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, với chu trình 11 năm “tái xuất,” đáng lẽ bão từ đã “đổ bộ” vào trái đất vào năm 2012-2013, nhưng thực tế cho đến nay việc này vẫn chưa diễn ra, và các nhà khoa học trên thế giới cũng chưa thể đưa ra dự báo cụ thể.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với phó giáo sư, tiến sĩ Hà Duyên Châu, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) về vấn đề này.

“Đợi” bão từ

- Thưa ông, bão từ xảy ra khi nào và nó có tác động thế nào tới cuộc sống?

PGS Hà Duyên Châu: Từ trường trái đất song hành cùng sự sống của trái đất và thay đổi liên tục từng giây, từng phút.

Nguyên nhân gây ra các trận bão từ là do các chùm plasma khổng lồ trung hoà về điện của các hạt tích điện phát ra từ các vụ bùng nổ của sắc cầu Mặt trời. Các chùm plasma này trên đường đi tới Trái đất sẽ bao trùm lên Trái đất, tác động với từ trường Trái đất tạo ra hệ dòng điện tròn xung quanh Trái đất, gây ra các trận bão từ mà chúng ta ghi nhận được ở các đài quan sát.

Từ khi con người ghi được bão từ vào gần khoảng 280 năm trước, thì tính trung bình 11,5 năm là có một chu trình bão từ mạnh. Tuy nhiên, có những chu trình ngắn chỉ khoảng 7-8 năm, nhưng cũng có chu trình 14-15 năm bão từ mới xuất hiện mạnh.

Gần đây nhất, bão từ xuất hiện mạnh vào năm 2001, thì đáng ra là năm 2012 sẽ phải là mạnh nhất. Tuy nhiên, theo ghi nhận đến bây giờ thì chưa có trận nào mạnh cấp G4, hoặc cấp G5 (cấp cao nhất) cả. Năm 2012 cũng chỉ có trên 30 trận bão từ và từ đầu năm tới nay chỉ xuất hiện 6 trận, trong khi vào chu trình của mình, bão từ xuất hiện trung bình từ 40-45 trận/năm.

Do vậy, chúng ta vẫn đang… chờ đợi và đề phòng trong năm 2013, 2014 sẽ có những trận bão từ cấp G5.

- Nói như vậy, có nghĩa là chúng ta không thể đưa ra dự báo thời gian chính xác bão từ sẽ xảy ra, thưa ông?

PGS Hà Duyên Châu: Cho đến nay các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa dự báo được bão từ sẽ xảy ra vào tháng nào. Việc tính quy luật bão từ cũng như với các hiện tượng thiên tai khác chỉ là tương đối. Tuy nhiên, thế giới có thể đưa ra dự báo khá chính xác, ngoài việc dự báo theo quy trình 11 năm (có sai số lớn).

Ví dụ, người ta có thể đo trực tiếp những vết đen trên mặt trời và việc bùng nổ sắc cầu và nghiên cứu xem sự bùng nổ sắc cầu ấy có khả năng đến được trái đất, gây ra bão từ hay không. Việc dự báo này có thể đưa ra cảnh báo trước 1-2 ngày tuy nhiên đòi hỏi có một nghiên cứu lớn, bởi không phải 100% các chùm plasma tới trái đất có thể gây ra bão từ mà chỉ có những plasma mang từ trường giữa các hành tinh có hướng về hướng Nam mới gây ra bão từ mà thôi.

Thậm chí, thế giới còn có thể đưa ra dự báo trước khi trận bão từ tới trái đất khoảng 30 phút. Điều này làm được là do có một vệ tinh, và khi chùm plasma di chuyển tới đó, vệ tinh sẽ báo về trái đất và người ta có thể nhận biết bão từ xảy ra.

- Việc đưa ra cảnh báo về bão từ ở Việt Nam được tiến hành như nào?

PGS Hà Duyên Châu: Hiện, Việt Nam có 4 trạm địa từ có thể ghi được từ trường là trạm SaPa xây năm 1957, Phú Thụy (Hà Nội) xây năm 1961, Đà Lạt xây năm 1981 và Bạc Liêu năm 1988.

Bão từ là hiện tượng chung của cả thế giới chứ không chỉ ở một quốc gia nào, do đó chúng ta góp số liệu cùng các trạm khác về các trung tâm xử lý dữ liệu lớn của thế giới. Hơn nữa, việc quan sát vết đen, bùng nổ sắc cầu ở Việt Nam chưa có điều kiện để làm được.

Thực tế, các nhà khoa học thường sử dụng số liệu của trung tâm xử lý dữ liệu lớn như ở Mỹ, Pháp, Nhật, Anh, Canada, Trung Quốc… Khi có bão từ, chúng tôi nhận thông báo ở các trung tâm trên (đặc biệt là của Nhật), và khi có những trận bão từ lớn (cấp G4-5), chúng tôi sẽ công bố với một số phương tiện truyền thông, website chính thức của Viện Vật lý địa cầu.

Gây hại cho sức khỏe

- Thưa ông, những trận bão từ lớn khi “đổ bộ” vào trái đất sẽ gây ra tác động gì?

PGS Hà Duyên Châu: Bão từ gây ra khá nhiều tác động. Trong cơ thể con người ở não, tim mạch, xương khớp… có tế bào mang từ. Do đó, khi từ trường trái đất thay đổi sẽ tác động vào tế bào mang từ, làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Nước Nga từng có thống kê khi những trận bão từ lớn xảy ra, tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch tăng tới 30%.

Ngoài ra, những công trình như đường dây 500KV, đường ống dầu khí sẽ là đối tượng tác động trực tiếp của bão từ. Ví dụ như khi bão từ xảy ra, xuất hiện dòng điện cảm ứng chạy trong hệ thống, gây sự cố cho máy biến áp, thủng ống dẫn dầu khí…

Bão từ cũng tác động lên vệ tinh, làm sai lệch hoặc mất tín hiệu GPS, truyền sóng radio, đến hàng không, hàng hải…

Lịch sử đã chứng kiến những thiệt hại khổng lồ do bão từ gây ra như làm ngưng hoạt động trong 9 giờ đồng hồ với hệ thống truyền tải điện cao thế 735kV ở Québec (Canada), gây thiệt hại hàng tỷ đôla Mỹ (bão từ cấp mạnh nhất G5 xảy ra vào ngày 13/3 /1989); năm 1997 làm hỏng một vệ tinh nhân tạo của hãng AT&T (Mỹ)…

- Ở Việt Nam, chúng ta đã có thiệt hại nào lớn do bão từ gây ra chưa?

PGS Hà Duyên Châu: Rất may là chưa! Năm 2001, khi chu trình bão từ mạnh xảy ra, chúng tôi đã đặt thiết bị trong các trạm biến áp của đường dây 500KV và ghi được những dòng điện cảm ứng từ 10-12 ampe. Đây là dòng điện cảm ứng mạnh, vì bình thường cảm ứng chỉ 2-3 ampe. Chúng tôi báo cho ngành điện lực để họ có biện pháp chống lại bão từ như giảm công suất truyền tải…

Nhìn chung, ở các công trình lớn, người ta phải có các phương án dự phòng khi bão từ tác động làm giảm thiểu thiệt hại. Ngay như việc chế tạo vệ tinh bây giờ cũng làm bằng vật liệu có thể chịu đựng được bão từ.

Năm 2001, chúng tôi cũng có liên hệ với các bệnh viện và ghi nhận số bệnh nhân nhập viện do các bệnh tim mạch, thần kinh cũng có tăng lên, song tiếc là không có số liệu cụ thể.

- Theo ông, khi bão từ xảy ra, theo ông, những người bệnh nên làm gì để hạn chế tác hại của bão từ?

PGS Hà Duyên Châu: Ở Nga, người ta làm những lồng Faraday rất to (bằng sắt) để khi bão từ xảy ra họ sẽ cho người bệnh vào, ngăn cản bão từ gây tác động. Ở những nước không có lồng Faraday như ở Việt Nam, bác sĩ, người thân cần phải chú ý chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân vào những ngày này, đặc biệt là bệnh nhân thần kinh, tim mạch...

Ngoài ra, những người làm việc trên cao cũng rất cần chú ý, bởi bão từ tác động tới hệ thần kinh của tất cả mọi người.

- Có ý kiến cho rằng, khi bão từ xảy ra thì ngồi trong nhà sẽ tốt hơn đi ra nắng, ông có nhận định gì về ý kiến này?

PGS Hà Duyên Châu: Tôi cho rằng khi có bão từ lớn xảy ra thì việc đi ra ngoài hay ngồi trong nhà là như nhau.

- Xin cảm ơn phó giáo sư!
Theo phó giáo sư Hà Duyên Châu, bão từ có 2 loại là bão từ “bắt đầu bất ngờ” và  “bắt đầu từ từ” tăng lên một cách từ từ. Việt Nam bắt đầu ghi nhận được bão từ vào năm 1957, và cũng như thế giới, các trận bão từ lớn ghi nhận được tập trung xung quanh các năm 1957, 1968, 1979, 1989, 2001.

Bão từ được phân loại thành 5 cấp, từ cấp G1 đến cấp G5, trong đó G1 chỉ bão từ yếu, G2 trung bình, G3 mạnh, G4 rất mạnh và G5 cực mạnh.

Trong một chu trình 11 năm của hoạt động mặt trời, chỉ xảy ra vài ba trận có cường độ G5, những trận này chỉ xảy ra trong những giai đoạn Mặt trời hoạt động mạnh nhất trong chu kỳ. Trận BT G5 lớn nhất ghi được có giá trị biên độ 650nT (nano Tesla, đơn vị đo từ trường trái đất) vào năm 1989. Trận lớn thứ hai có biên độ 638nT vào năm 2001. Năm 2003 có trận đến 618nT. Ngoài ra còn nhiều trận đạt biên độ 500 – 600nT.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục