Chưa tìm được nhân tài trong lĩnh vực giáo dục

Từ giải thưởng cho CNTT, Nhân tài Đất Việt đã mở rộng sang KHTN, y tế, giáo dục...nhưng 3 năm nay chưa tìm ra nhân tài tại lĩnh vực giáo dục.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2011 cho biết, các nhà khoa học hoạt động âm thầm, giới chuyên môn đánh giá cao sẽ được vinh danh.

Đây là một phần của Giải thưởng, thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên.

Thông tin này được đưa ra tại Họp báo công bố kết quả sơ khảo của Giải thưởng, ngày 1/11.

Theo đó, ở lĩnh vực Công nghệ thông tin, có 17 sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo (9 sản phẩm thuộc nhóm tiềm năng ứng dụng và 8 sản phẩm đã ứng dụng rộng rãi). Những sản phẩm này được sàng lọc từ 204 sản phẩm tham dự cuộc thi.

Tiến sĩ Nguyễn Long (Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo cho hay, khi nhận được hồ sơ dự giải, Hội đồng chấm thi căn cứ lĩnh lực hồ sơ dự tuyển thuộc lĩnh vực nào sẽ mời chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực ấy chấm điểm.

Ông Long cũng cho biết, các đề tài năm nay hướng vào nội dung số cho thiết bị di động, mạng xã hội và tích hợp phần cứng. Mảng đề tài cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng có rất ít hồ sơ tham dự.

Dự kiến trong hai ngày 17 và 18/11/2011 các thí sinh dự thi nội dung công nghệ thông tin được lọt vào vòng Chung khảo sẽ tập trung tại Hà Nội để thuyết trình và bảo vệ sản phẩm trước Hội đồng Chung khảo.

Ở lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Y dược, các hồ sơ dự giải không tham gia dưới dạng cuộc thi mà được xét tuyển bởi Hội đồng Khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế.

Giáo sư Hiệu cho hay các nhà khoa học hoạt động âm thầm, nhưng được giới chuyên môn đánh giá cao sẽ được xét chọn kỹ lưỡng để trao giải thưởng. Theo ông, đó là những nhà khoa học tận tụy, “không bao giờ xin giải thưởng.” Và, để có được danh sách của họ, Ban tổ chức đã phải đến các Viện, trường để xin danh sách, rồi hướng dẫn họ lập hồ sơ để xét tuyển.

Đặc biệt, mỗi hồ sơ này phải có được 3 nhận xét của các nhà khoa học. Thế nhưng, việc này cũng trở nên khó khăn bởi có một số trường hợp, các nhà khoa học cùng lĩnh vực ở trong nước chưa “ngang tầm” với người có hồ sơ. Do đó, Ban tổ chức phải gửi đến các giáo sư người Việt ở nước ngoài nhận xét.

Vị Giáo sư này cũng “bật mí” một số lĩnh vực đang được xét giải như ở lĩnh vực điện hạt nhân, giải pháp chống lũ lụt bảo đảm cuộc sống của người dân…

Ở lĩnh vực Y tế, ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã giới thiệu 2 nhóm: Ghép tạng (Bệnh viện Việt Đức) và ghép tim (Bệnh viện Trung ương Huế).

Lễ trao giải thưởng năm nay sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2-Đài Truyền hình Việt Nam vào 20 giờ ngày 20/11. Ban tổ chức cũng sẽ đề xuất với Chính phủ tặng Bằng khen cho những tổ chức, cá nhân đoạt giải./.
Chưa tìm được nhân tài trong lĩnh vực giáo dục

Khởi đầu với giải thưởng dành cho lĩnh vực Công nghệ thông tin, đến năm 2009 Nhân tài Đất Việt được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và năm 2010 là lĩnh vực Y tế.

Trả lời câu hỏi về việc giải thưởng uy tín này có tiếp tục mở sang các lĩnh vực khác, ông Phạm Huy Hoàn, Trưởng Ban tổ chức cho biết cách đây vài năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo mở rộng sang lĩnh vực giáo dục. Song, 3 năm nay Ban tổ chức chưa tìm ra được nhân tài trong lĩnh vực này.

Năm 2011 là năm thứ 7 liên tiếp Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được tổ chức dưới sự Bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tài trợ chính là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Thùy Liên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục