Bí quyết sâu xa trong thành công của người Italy là gì? Câu trả lời có hai vế. Một: bị đánh giá thấp, hai là scandal.
Ngoại trừ hai kỳ World Cup 1934, 1938 được diễn ra dưới họng súng của độc tài Benito Mussolini. Tất cả các giải đấu Italy thi đấu thành công đều sở hữu một trong hai điều này.
EURO 1968, giải EURO duy nhất Italy vô địch diễn ra trong bối cảnh Serie A lên lệnh cấm vận các câu lạc bộ chuyển nhượng các cầu thủ ngoài biên giới Italy sau thất bại nhục nhã tại World Cup 1966.
Giải đấu năm đó chỉ có 4 đội, nhưng Italy bị đánh giá thấp hơn đương kim vô địch World Cup Anh, và đương kim á quân EURO Liên Xô. Kết quả, Italy vô địch sau khi đánh bại Nam Tư cũ trong trận chung kết.
World Cup 1982 và 2006 là những ví dụ tiêu biểu hơn cả. Hai bê bối dàn xếp tỷ số lớn là Totonero và Calciopoli đã tàn phá nền bóng đá Italy.
Paolo Rossi, người hùng của Italy tại Espana 82 bị cấm thi đấu hai năm trước khi đến Tây Ban Nha tham dự cúp thế giới, trong khi phân nửa đội hình Italy tại World Cup 2006 chờ những phán quyết của tòa án ngay sau khi trở về quê nhà Italy. Chính trong những hoàn cảnh ngặt nghèo đó, Italy đã bật dậy thần kỳ để trở thành nhà vô địch.
Tại EURO 2012, báo giới Anh trước trận tứ kết với Italy đã khẳng định, scaldal có tên Scommessopoli với những cái tên nổi tiếng của bóng đá Italy dính líu tới là Giuseppe Signori, Cristiano Doni chỉ là một... chiêu bài của Liên đoàn bóng đá Italy hòng kích thích tinh thần chiến đấu của các tuyển thủ Azzurri.
Người Anh không lầm nếu chỉ nhìn bề ngoài, Italy vốn bị đánh giá thấp trước giải đấu đã lọt vào tới trận chung kết, đánh bại Đức tại bán kết.
Sau EURO 2012, những cầu thủ dính tới Scommessopoli đều bị xử án. Scandal đúng là đã trợ giúp chút ít tinh thần với người Italy tại kỳ EURO cách đây bốn năm nhưng những phán quyết thì không xuất hiện chỉ để cho vui.
Quay lại hiện tại, Italy và Serie A trước thềm EURO 2016 đã yếu và thiếu tới mức khó có thể có một scandal đủ tầm như Scommessopoli, nhưng Antonio Conte đã tạo ra một vết gợn (không phải scandal) đủ lớn để kết nối các học trò thành một khối, biến Italy trở thành đối thủ đáng ngại nhất EURO. Đó không gì khác chính là quyết định từ chức huấn luyện viên trưởng Azzurri ngay sau khi EURO kết thúc.
Conte đã rất mạo hiểm khi đánh cược không chỉ tương lai, vị thế của chính mình đội tuyển mà còn là cả Azzurri với toan tính đầy mạo hiểm đó.
Người Italy đã chỉ trích Conte không ngớt lời với quyết định được cho là “thiếu tính chuyên nghiệp” ấy mà không để ý rằng chính việc Conte chấp nhận rời đi sau EURO đã đẩy chính ông vào tình thế buộc phải có một giải đấu đáng nhớ, còn với các cầu thủ Italy, họ buộc phải đá chết bỏ vì người thầy của mình.
Những sức ép vô hình ấy có thể không lớn như những phán quyết của tòa án cách đây tròn 10 năm, nhưng dường như chúng là đủ để đẩy Italy tới mức như hiện tại.
10 năm trước tại Westfalen, Italy đã loại Đức sau hai bàn thắng chỉ trong có 4 phút cuối trận của Fabio Grosso và Alessandro Del Piero.
Đêm nay, không phải bán kết World Cup, Grosso, Del Piero cũng không còn hiện diện trong màu áo Thiên Thanh, nhưng Italy của Conte vẫn có quyền mơ mộng./.