Người Đức cố gắng tìm lời giải thích thích đáng cho trận thua

Dĩ nhiên Đức không hẳn là vô lý, họ là đương kim vô địch thế giới, họ có trong tay những cầu thủ mà bất cứ nền bóng đá nào cũng ước mơ.
Người Đức cố gắng tìm lời giải thích thích đáng cho trận thua ảnh 1Nỗi buồn đến sớm với Jerome Boateng (giữa) khi anh chấn thương rời sân, bỏ lại một khoảng trống lớn đối với hàng phòng ngự đội nhà, dẫn đến thất bại của đội tuyển Đức. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Thuyết âm mưu nhằm bảo đảm suất chung kết cho đội chủ nhà; Quyết định thổi phạt 11m sai lầm; Đội kiểm soát phần lớn thế trận đã thua...

Những bình luận này đã trở thành thói quen của người hâm mộ khi chứng kiến đội được xem là “cửa trên” nhận thất bại.

Tuy nhiên thế trận ngày hôm qua đã chỉ ra một thực tế lý giải nguyên nhân thất bại của người Đức: Họ không mạnh như họ vẫn nghĩ!

Rõ ràng huấn luyện viên trưởng đội tuyển Đức Joachim Loew đã không nghiên cứu kỹ về “Gà trống Gaulois” trước trận Bán kết, hoặc chỉ đơn giản là ông quá tự mãn.

Nhập cuộc gặp đội có ưu thế chủ nhà, Đức vẫn dâng đội hình lên rất cao nhằm sớm kiểm soát thế trận.

Dĩ nhiên Đức không hẳn là vô lý, họ là đương kim vô địch thế giới, họ có trong tay những cầu thủ mà bất cứ nền bóng đá nào cũng ước mơ.

Điều khiến người Đức bất ngờ là đội tuyển Pháp lại tranh chấp bóng quá hay, phối hợp với nhau cực kỳ tinh tế.

Nhìn cái cách Schweinsteiger, Can, Kroos, Draxler và Oezil loay hoay ở giữa sân, có thể nhận ra rằng họ không được chuẩn bị để thi đấu giằng co như vậy.

Đức đã quên mất rằng nước Pháp, luôn là vậy, mới là cái nôi sản sinh ra tài năng của bóng đá thế giới suốt 2 thập kỷ qua.

“Gà trống Gaulois” chưa bao giờ thiếu nhân tài, có chăng chỉ là bởi người tài của họ luôn đi đôi với cái tật, nhiều lúc tự bắn vào chân mình trong sự nghiệp.

Nhìn cách Payet và Griezmann chơi bóng trên sân, rõ ràng họ đã khiến những Oezil hay Kroos phải hụt hơi.

Khi lực lượng không còn nổi trội, người Đức tiếp tục để lộ ra một điểm yếu chết người khác, đó là ở khía cạnh chiến thuật.

Khi Pháp chơi chủ động hơn, Đức dù muốn nhưng không thể nào chơi chậm lại và chờ tung đòn “hồi mã thương.”

Bị đội chủ nhà lấn lướt, các vị trí của đội tuyển Đức trên sân vẫn vận hành như thể họ đang làm chủ thế trận.

Vẫn ban bật, chồng biên và sút rất nhanh chứ không hề có mục đích làm giảm nhịp độ trận đấu.

Đây chính là “điểm mù” của huấn luyện viên Joachim Loew, ông đã nhào nặn lên một “Cỗ xe tăng” chỉ biết tiến chứ không biết lùi, chỉ giỏi áp đặt chứ không giỏi chờ thời.

Trái lại, người Pháp đã làm tốt hơn cái điều mà người Đức không làm được. Ở thời điểm đội tuyển Đức đẩy tốc độ trận đấu lên rất cao nhằm tìm kiếm bàn thắng, đội tuyển Pháp đã chủ động bỏ tranh chấp ở tuyến giữa, qua đó gia cố các vị trí trước vòng cấm địa để ngăn cản không cho đối thủ sút xa – vốn là vũ khí mà đội tuyển Đức thường xuyên sử dụng khi bế tắc.

Huấn luyện viên Didier Deschamps của Pháp quả thực đã trên tay người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến, ông đã biết trước Đức sẽ chơi thế nào, sẽ phản ứng ra sao.

Chẳng có thuyết âm mưu nào ủng hộ “Gà trống Gaulois,” pha để bóng chạm tay của Schweinsteiger trong vòng cấm quá vô duyên.

Và nếu nhìn lại việc Boateng từng để mắc lỗi tương tự ở ngay trong giải đấu lần này, rõ ràng người Đức đã không biết rút kinh nghiệm.

Ngay cả trong lúc khó khăn nhất, bức tường kiên cố Manuel Neuer cũng mắc sai lầm để Pháp có cơ hội kết liễu đối thủ.

Bóng đá là vậy, khi thắng chỉ có một lý do, nhưng khi thua thì ta có đến hàng tỷ lời giải thích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục