Chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất

Chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất phiên ngày 18/3 khi những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp vẫn chưa dịu bớt.
Chứng khoán châu Á lên xuống bất nhất trong phiên giao dịch ngày 18/3.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do có dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất cơ bản, trong khi những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp vẫn chưa thực sự dịu bớt.

Theo chiến lược gia về thị trường Anthony Grech tại IG Index, niềm tin của các nhà đầu tư trên toàn cầu cũng được củng cố khi FED nhắc lại việc duy trì lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài là thích đáng và đưa ra những nhận định lạc quan về kinh tế Mỹ, khi khẳng định thị trường lao động đang ổn định và đầu tư tăng đáng kể.

Trong khi đó, BoJ đã thông báo sẽ tiếp tục các biện pháp đẩy lùi sức ép giảm pháp, với việc tăng gấp đôi khoản cho vay ngắn hạn cho các ngân hàng lên 20.000 tỷ yen (221 tỷ USD), trong khi giữ lãi suất ở mức 0,1%.

Niềm tin trên thị trường cũng đi lên trước tin cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's đưa ra sự hỗ trợ thận trọng đối với những nỗ lực của Chính phủ Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ.

Cơ quan này nói sẽ không đánh tụt xếp hạng tín dụng BBB+ hiện nay nhằm "giải vây" cho Hy Lạp, trong lúc nước này đang muốn cắt giảm thâm hụt ngân sách thông qua việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Giám dốc nghiên cứu của Forex.com, Jane Foley, các vấn đề nợ của Hy Lạp sẽ không thể được giải quyết một cách nhanh chóng và chính phủ nước này cần phải làm rõ một số vấn đề trước khi thuyết phục thị trường tin rằng họ có thể làm tốt trong tình huống hiện nay.

Hy Lạp sẽ vẫn đứng trước nhiều thử thách phía trước, trong đó có nghĩa vụ thanh toán số nợ 20 tỷ euro trong mùa Xuân này.

Nước này có thể sẽ phải cần tới sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong đầu tháng tới, khi không có nhiều hy vọng về sự hỗ trợ của các nước EU tại hội nghị thượng đỉnh trong tuần tới.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) giảm 0,2%, sau khi tăng hơn 8% cuối tuần trước. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 102,95 điểm, hay 0,95%, xuống 10.744,03 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 53,82 điểm, hay 0,25%, xuống 21.330,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 4,39 điểm, 0,14%, xuống 3.046,09 điểm.

Chỉ số weighted của Đài Loan tăng 38,5 điểm, hay 0,49%, xuống 7.886,34 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 34,85 điểm, hay 2,1%, lên 1.682,86 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 1,2%.

Sự phục hồi vững chắc của kinh tế toàn cầu đã giúp các thị trường phát triển tăng 1,1% kể từ đầu năm nay, trong khi các thị trường đang nổi giảm 1,1%. Tuy nhiên, các thị trường đang phát triển, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, có thể vượt qua các thị trường phát triển vào cuối năm.

Các thị trường chứng khoán châu Á đã phục hồi trong những tuần gần đây và có triển vọng lạc quan trong ngắn hạn./.

Lê Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục