Chứng khoán châu Á chịu sức ép vì FED, Trung Quốc

Chứng khoán châu Á tiếp tục chịu sức ép trong lúc chưa có gì chắc chắn về việc Fed tiếp tục kích thích kinh tế trong bao lâu nữa.
Các thị trường chứng khoán châu Á bước vào phiên giao dịch đầu tháng 6 tiếp tục chịu sức ép, khi nhà đầu tư chốt lời trong lúc chưa có gì chắc về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chương trình kích thích kinh tế trong bao lâu nữa và các số liệu mới công bố đang cho thấy sự thiếu ổn định của kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) vẫn giảm, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong gần 7 tuần vào cuối tuần trước và kết thúc tháng 5 với mức giảm 4,7%, tháng yếu kém nhất trong một năm.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 223,18 điểm, hay 1,62%, xuống 13.551,36 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 3,64 điểm, hay 0,16%, xuống 2.296,95 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,15 điểm, hay 0,06%, xuống 1.999,9 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 109,71 điểm, hay 0,49%, lên 22.501,87 điểm. Chứng khoán Australia vẫn ổn định, tăng 0,1%.

Đồn đoán về khả năng Fed sẽ bắt đầu giảm bớt quy mô của chương trình mua trái phiếu bắt đầu được đưa ra sau một loạt số liệu tích cực về kinh tế nước này và trở thành yếu tố gây ra những điều chỉnh trên các thị trường.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm các số liệu mà Mỹ sẽ công bố trong tuần này để có thể phán đoán về tình hình kinh tế nước này.

Mỹ sẽ công bố số liệu về chỉ số quản lý nguồn cung trong lĩnh vực chế tạo trong ngày 3/6 và số liệu quan trọng hơn là việc làm hàng tháng trong lĩnh vực phi nông nghiệp vào ngày 7/6.

Trong khi đó, các số liệu cho thấy đà tăng trưởng đuối hơn của kinh tế Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Hoạt động sản xuất tại nước này giảm lần đầu tiên trong 7 tháng vào tháng 5, khi cả nhu cầu trong và ngoài nước đều yếu hơn, còn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng giảm.

Cuối tuần qua, nước này đã công bố số liệu chính thức cho thấy chỉ số quản lý sức mua (PMI) tăng từ 50,6 điểm trong tháng 4 lên 50,8 điểm trong tháng 5, song báo cáo cuối cùng của HSBC cho thấy PMI đối với các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ giảm từ 50,4 điểm trong tháng 4 xuống 49,2 điểm trong tháng 5./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục