Mở cửa phiên sáng cuối tuần 1/8, chứng khoán châu Á đã chấm dứt chuỗi ngày tăng điểm trước đó khi phần lớn các thị trường chủ chốt trong khu vực quay đầu giảm điểm ngay từ những phút giao dịch đầu tiên.
Chứng khoán Tokyo đang tạm lùi 0,33%; Hong Kong giảm 0,66%; Sydney tuột 1,2%, Thượng Hải (Trung Quốc) mất 0,08% và Seoul giảm 0,20%.
Thị trường đi xuống bất chấp số liệu chính thức cho hay chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng lên mức 51,7 trong tháng Bảy - ghi dấu mức cao nhất kể từ tháng 4/2012 và cao hơn mức 51 của tháng Sáu.
Đây là hệ quả của phiên rớt thảm đêm qua (31/7) trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó chỉ số Dow Jones để mất toàn bộ thành quả có được kể từ cuối năm 2013 dưới áp lực của một loạt nhân tố: những số liệu kinh tế yếu kém của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), cuộc đàm phán giữa Argentina và các chủ nợ thất bại, và lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tuần trước tăng thêm 23.000 đơn lên 302.000 đơn.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng còn canh cánh nỗi lo về những diễn biến tại Ukraine và Dải Gaza.
Đêm trước (31/7) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall có phiên sụt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng qua. Tình hình "sức khỏe" tài chính của Argentina cùng với quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine là những nguyên nhân chính tạo ra tâm lý lo lắng ở giới đầu tư, khiến họ bán tháo tài sản mang tính rủi ro cao như cổ phiếu.
Chốt phiên giao dịch ngày cuối cùng của tháng Bảy, chỉ số Dow Jones giảm tới 316,8 điểm, tương đương 1,88%, xuống còn 16.563,30 điểm, S&P 500 và chỉ số tổng hợp Nasdaq còn rơi vào tình trạng ảm đạm hơn khi mức giảm của hai chỉ số này lên tới 2% và 2,09%, xuống các mức tương ứng 1.930,67 điểm và 4.369,77 điểm./.