Chứng khoán châu Á hãm đà rơi, Tokyo lại tăng điểm

Chứng khoán châu Á đã hãm bớt đà rơi và biến động trái chiều trong bối cảnh kinh tế Khu vực Eurozone chính thức rơi vào suy thoái.
Chứng khoán châu Á đã hãm bớt đà rơi và biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/11 trong bối cảnh kinh tế Khu vực Eurozone chính thức rơi vào suy thoái trong khi tại Mỹ, vấn đề "vách đá tài chính" vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, thị trường cổ phiếu tiếp tục đi lên mạnh mẽ phiên thứ hai liên tiếp do đồng yên tiếp tục yếu đi.

Theo các số liệu chính thức, cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực Eurozone đã khiến nền kinh tế tại 17 nước thành viên suy giảm 0,1% trong quý 3, sau khi đã thụt lùi 0,2% trong quý 2 trước đó, ghi dấu hai quý liên tiếp tăng trưởng ở mức âm, và xét về yếu tố kỹ thuật, khu vực này đã chính thức rơi trở lại suy thoái kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, tăng trưởng quý 3 cũng chỉ đạt 0,2%, điều đó chứng tỏ nền kinh tế này cũng bắt đầu "ngấm đòn" khủng hoảng.

Tình hình ảm đạm tại châu Âu càng làm tâm lý nhà đầu tư, vốn đã mệt mỏi với bức tranh u ám của kinh tế Mỹ (đang loay hoay với vấn đề "vách đá tài chính"), thêm chán nản hơn.

Đóng cửa phiên 16/11, màu đỏ bao trùm trên hầu khắp các bảng điện tử trong khu vực trong phiên trước đã giảm bớt và trên một số thị trường đã xuất hiện màu xanh trở lại.

Shanghai Composite của chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) mất 0,77% (15,56 điểm) xuống 2.014,73 điểm; Hang Seng của Hồng Công tuột 1,55% (333,06 điểm) xuống 21.108,93 điểm; KOSPI của Hàn Quốc lùi 0,53% (9,89 điểm) về 1.860,83 điểm; A&P/ASX200 của Australia mất 0,29% (12,45 điểm) về 4.336,8 điểm và Weighted của Đài Loan cũng đi xuống với mức giảm 0,19%. Đáng chú ý là các mức giảm đã thấp hơn rất nhiều so với các phiên trước.

Ở chiều tăng, Nikkei 225 của Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp khi có thêm 2,20%, tức 194,44 điểm, lên 9.024,16 điểm.

Đêm trước (15/11) tại Mỹ, tốc độ lao dốc của chứng khoán Phố Wall cũng đã phần nào chậm lại sau khi cơn hoảng loạn bán tháo cổ phiếu qua đi, nhà đầu tư có phần bình tâm trở lại, song hiện vẫn có quá ít tin tốt để hỗ trợ thị trường như nền kinh tế Eurozone bước sang quý suy giảm thứ hai liên tiếp; hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bước vào cuộc khẩu chiến về vấn đề làm sao để tránh được "vách đá tài chính;" cùng những căng thẳng gia tăng tại Khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng gây thất vọng cho các nhà đầu tư.

Đóng cửa phiên 15/11, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều giảm điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average mất 28,57 điểm (0,23%) xuống 12.542,38 điểm; S&P 500 tụt 2,16 điểm (0,16%) xuống 1.353,33 điểm; trong khi Nasdaq Composite trượt 9,87 điểm (0,35%) xuống 2.836,94 điểm.

Cùng ngày, chứng khoán châu Âu cũng tiếp nối đà mất điểm khi nền kinh tế Khu vực Eurozone vẫn trượt sâu trong suy thoái (tăng trưởng của 17 quốc gia thành viên vẫn ở mức âm trong quý 3), thêm vào đó là nỗi lo về "vách đá tài khóa" tại Mỹ.

Đóng cửa phiên 15/11, FTSE 100 của London trượt 0,77% xuống 5.677,75 điểm; DAX 30 của Đức lùi 0,82% về 7.043,42 điểm và CAC 40 của Pari giảm 0,52% xuống 3.382,40 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục