Chứng khoán châu Á lên mức kỷ lục sau gần 3 năm

Chứng khoán châu Á lên mức kỷ lục trong gần 3 năm khi đồng yen yếu giúp các nhà xuất khẩu chủ chốt của Nhật Bản lấy lại động lực.
Chứng khoán châu Á đạt mức cao kỷ lục trong gần 3 năm trong phiên giao dịch ngày 4/4, khi đồng yen yếu giúp các nhà xuất khẩu chủ chốt của Nhật Bản lấy lại động lực, bất chấp cuộc khủng hoảng hạt nhân vẫn tiếp diễn, và thất nghiệp tại Mỹ giảm đã củng cố niềm tin về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,6%, chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2008.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 348,68 điểm, hay 1,46%, lên 24.150,58 điểm, với cổ phiếu ngành ngân hàng tăng điểm mạnh.

Chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng 25 điểm, hay 0,51%, lên 4.886,8 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 5,14 điểm, hay 0,24%, xuống 2.115,87 điểm. Các thị trường Thượng Hải và Đài Loan đóng cửa nghỉ lễ.

Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 10,5 điểm, hay 0,11%, lên 9.718,89 điểm, bất chấp việc niềm tin kinh doanh của các nhà chế tạo lớn giảm sau trận động đất kinh hoàng vào tháng trước. Tuy đã lấy lại được hơn 2/3 những gì đã mất, song chỉ số này vẫn thấp hơn 5% so với mức đóng cửa ngày 11/3.

Cuộc điều tra hàng quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy chỉ số niềm tin kinh doanh đã giảm từ +7 vào trước thảm họa ngày 11/3 xuống +6. Triển vọng của ba tháng tới có thể sẽ ảm đạm hơn, khi chỉ số niềm tin rơi vào vùng đáng lo ngại.

Điều đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhất hiện nay là tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại nặng sau thảm họa.

Sau nhiều nỗ lực trong 3 tuần sau thảm họa, các nhà chức trách vẫn chưa thành công trong việc ngăn chặn phóng xạ rò rỉ từ nhà máy này. Sự cố đã buộc nhà máy phải cắt nguồn cung điện hàng ngày ở Tokyo và các vùng phụ cận.

Tình trạng thiếu điện đã khiến nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động. Mối lo ngại vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp, nhất là khi tình trạng thiếu điện có thể kéo dài ít nhất đến mùa hè.

Trong khi đó, cuối tuần qua, Bộ Lao động Mỹ thông báo tỷ lệ thất nghiệp của nước này tháng 3/2011 giảm xuống 8,8%, mức thấp nhất từ tháng 3/2009, khi các công ty tuyển dụng nhân công với tốc độ nhanh nhất kể từ khi khủng hoảng bắt đầu.

Gần 216.000 việc làm mới đã được tạo ra trong tháng trước, bù đắp vào số lao động mà các chính quyền địa phương sa thải. Điều này cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra nhanh.

Chứng khoán Mỹ ổn định và đồng yen yếu, đặc biệt là so với đồng euro, đã khuyến khích hoạt động mua vào cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu.

Đồng yen yếu đã hỗ trợ các nhà xuất khẩu, mặc dù triển vọng của kinh tế Nhật Bản chưa rõ ràng, khi vẫn chưa chắc chắn về thiệt hại đầy đủ của động đất và sóng thần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục