Chứng khoán châu Á tăng

Chứng khoán châu Á tăng sau quyết định của G7

Chứng khoán châu Á đồng loạt lên điểm trong phiên giao dịch ngày 18/3, sau khi G7 can thiệp nhằm ngăn chặn đà tăng giá của đồng yen.
Chứng khoán châu Á đồng loạt lên điểm trong phiên giao dịch ngày 18/3, sau khi nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đồng ý can thiệp nhằm ngăn chặn đà tăng giá của đồng yen và trấn an các nhà đầu tư đang lo ngại về cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản.

Chứng khoán Nhật Bản tăng gần 3%, song vẫn đóng cửa với mức giảm 10% trong tuần qua, sau khi giảm 16% trong hai ngày 14-15/3, mức giảm lớn nhất trong 24 năm.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 15,8 điểm, hay 0,07%, lên 22.300,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 9,59 điểm, hay 0,33%, lên 2.906,89 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 22,1 điểm, hay 1,13%, lên 1.981,13 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan tăng 112,06 điểm, hay 1,35%, lên 8.394,75 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng 71,1 điểm, hay 1,56%, lên 4.626,4 điểm.

Tâm điểm chú ý của thế giới hiện nay đã chuyển từ Nhật Bản, đất nước vừa hứng chịu trận động đất mạnh, trở lại Trung Đông, khi Liên hợp quốc cho phép hành động quân sự và thiết lập vùng cấm bay đối với Libya để bảo vệ dân thường trước lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Điều này cùng với sự can thiệp của G7 đã khuyến khích các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu. Các quan chức tài chính G7 đã nhất trí phối hợp can thiệp vào thị trường tiền tệ lần đầu tiên kể từ khi bị "thất thế" năm 2000.

Cam kết của G7 đã góp thêm vào một loạt hành động của Nhật Bản nhằm ổn định thị trường tài chính.

Ngày 18/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bơm thêm 4.000 tỷ yen (49 tỷ USD) vào thị trường, đưa tổng số tiền đã bơm lên 38.000 tỷ yen.

Chính phủ Nhật Bản đã thông báo sẽ can thiệp vào thị trường Tokyo ngay khi thị trường mở cửa, song Bộ Tài chính nước này sau đó đã từ chối khẳng định điều này đã xảy ra hay chưa.

Điều đang khiến các nhà đầu tư lo ngại lớn nhất hiện nay là tình hình tại nhà máy điện hạt nhân đang gặp sự cố của Nhật Bản, tác động của động đất và sóng thần đối với các doanh nghiệp nước này và việc cắt điện đang gây khó khăn cho các nhà chế tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục