Chứng khoán Mỹ đi lên nhờ các số liệu kinh tế thế giới

Chứng khoán Mỹ mở cửa trở lại trong ngày 17/1 nhờ những các số liệu kinh tế đáng khích lệ từ Đức và Trung Quốc và New York.
Sau khi đóng cửa nghỉ lễ Martin Luther King Jr., chứng khoán Mỹ mở cửa trở lại trong phiên giao dịch ngày 17/1 nhờ những các số liệu kinh tế đáng khích lệ từ Đức và Trung Quốc, cũng như chỉ số hoạt động kinh tế mạnh mẽ của New York.

Tuy nhiên, báo cáo về lợi nhuận yếu kém của tập đoàn Citigroup đã tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu của ngành ngân hàng Mỹ.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 60,01 điểm, tương đương 0,48%, đóng cửa ở mức 12.482,07 điểm, sau khi tăng tới hơn 1% vào giữa phiên.

Chỉ số S&P 500 cũng “nhích” nhẹ 4,58 điểm (0,36%), lên 1.293,67 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 17,41 điểm (0,64%), lên 2.728,08 điểm.

Phố Uôn khởi đầu tuần giao dịch với “sắc xanh” nhờ các thông tin tích cực về kinh tế toàn cầu.

Chính phủ Trung Quốc vừa công bố báo cáo cho hay kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 8,9% trong quý 4/2011, mặc dù thấp hơn so với mức tăng trưởng của quý trước đó song vẫn cao hơn so với mức dự kiến của Chính phủ là 8,6%, đưa mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong cả năm 2011 đạt 9,2%, thấp hơn mức tương ứng 10,4% được ghi nhận trong năm 2010.

Số liệu này cho thấy mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong năm 2011 vừa qua, chủ yếu là do các thị trường xuất khẩu chính của nước này là châu Âu và Mỹ đang phải “chật vật” đương đầu những khó khăn về tài chính, song những tác động của tình hình này đối với Bắc Kinh vẫn chưa đến mức đáng lo ngại.

Trong khi đó, chỉ số lòng tin vào kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục gia tăng, bất chấp việc Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor's (S&P) vừa quyết định đánh tụt bậc xếp hạng tín nhiệm của 9 nước Eurozone, bao gồm cả nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone là Pháp, và Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).

Bên cạnh đó, k hảo sát mới đây của chi nhánh Cục dự trữ Liên bang (FED) tại bang Niu Yoóc cho hay chỉ số hoạt động sản xuất của khu vực này trong tháng 1/2012 đã tăng vượt ngoài dự kiến, cũng chính là nhân tố đấy giá cổ phiếu đi lên.

Tuy nhiên, biên độ tăng bị thu hẹp dần vào cuối phiên sau khi ngân hàng Citigroup công bố kết quả kinh doanh yếu kém, khiến giới đầu cơ quay ra bán tháo cổ phiếu ngân hàng. Tuần trước, một tổ chức tài chính khác là JPMorgan & Chase cũng khiến nhà đầu tư thất vọng về kết quả lợi nhuận.

Nối gót đà tăng điểm của phiên trước, trong phiên giao dịch 17/1 này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục đi lên nhờ các thông tin tích cực từ thị trường chứng khoán Mỹ.

Tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,65%, lên 5.693,95 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng ghi thêm 1,4%, lên 3.269,99 điểm, trong khi tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng tăng 1,82%, đóng cửa ở mức 6.332,93 điểm.

Tuy nhiên, chứng khoán châu Á lại diễn biến trái chiều vào đầu phiên giao dịch ngày 18/1, bất chấp xu hướng tăng điểm mạnh mẽ trong phiên trước. Mở cửa, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 8,11 điểm, tương đương 0,1%, xuống còn 8.458,29 điểm.

Trong khi tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải và Hang Sheng của Hồng Công lại tăng nhẹ 0,46 điểm (0,02%) và 23,84 điểm (0,12%) lên 2.298,83 và 19.651,59 điểm./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục