Chứng khoán Mỹ trải qua chuỗi ngày giao dịch đáng thất vọng

Chứng khoán Mỹ đã trải qua chuỗi ngày giao dịch đáng thất vọng giữa bối cảnh khả năng Fed sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến đang ngày một gia tăng.
Chứng khoán Mỹ trải qua chuỗi ngày giao dịch đáng thất vọng ảnh 1Tại sàn giao dịch chứng khoán New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ đã trải qua chuỗi ngày giao dịch đáng thất vọng trong tuần cuối cùng của tháng Bảy, giữa bối cảnh những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến đang ngày một gia tăng, và các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại.

Ngay từ phiên đầu tuần (ngày 28/7), xu hướng tăng giảm trái chiều đã diễn ra trên Phố Wall khi các chỉ số bị "giằng co" bởi những số liệu kinh tế tốt, xấu lẫn lộn.

Trong khi tin tốt là việc một số doanh nghiệp lớn công bố các hợp đồng mua bán, sáp nhập (M&A), thì tin kém khả quan là thị trường bất động sản Mỹ có xu hướng suy yếu.

Mặc dù mùa công bố lợi nhuận của khối doanh nghiệp Mỹ vẫn đang diễn ra với kết quả nhìn chung khá khả quan, song chứng khoán Mỹ lại tiếp tục đỏ sàn trong ngày giao dịch 29/7, do giới đầu tư chú tâm tới các lệnh trừng phạt mới nhất mà Mỹ và EU áp đặt với Nga trong nhiều lĩnh vực như tài chính, vũ khí, năng lượng...

Tới phiên giao dịch ngày 30/7, thị trường lại phân hóa mạnh mẽ sau khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP quý 2 của nước này tăng 4%, mạnh hơn nhiều so với con số dự báo của giới chuyên gia (3,0%) và đảo ngược hẳn tình thế so với mức suy giảm 2,1% của quý 1.

Thông tin này đã góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư vào sự phục hồi vững vàng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, việc Fed thận trọng tuyên bố rằng dù kinh tế Mỹ đang mạnh lên nhưng nếu thị trường việc làm còn gây thất vọng thì Fed sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất thấp kỷ lục hiện nay chừng nào còn cần thiết, đã khiến nhiều nhà kinh doanh cổ phiếu nản lòng.

Đáng chú ý là trong phiên giao dịch ngày 31/7, tình hình "sức khỏe" tài chính của Argentina, cùng với quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine là những nguyên nhân chính khiến giới đầu tư bán tháo tài sản mang tính rủi ro cao như cổ phiếu, qua đó khiến Phố Wall có phiên sụt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng qua.

Sang tới phiên giao dịch cuối tuần (ngày 1/8), diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ cũng không trở nên sáng sủa hơn, bất chấp báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ đã chứng tỏ thị trường lao động nước này vẫn đang tiếp tục duy trì được đà cải thiện.

Cụ thể, theo Bộ Lao động, trong tháng Bảy vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 209.000 việc làm mới. Mặc dù con số này thấp hơn so với mức dự kiến 233.000 của các chuyên gia và thấp hơn nhiều so với 298.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng Sáu, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, nền kinh tế Mỹ tạo thêm hơn 200.000 việc làm mới trong sáu tháng liên tục.

Cũng theo Bộ này, số lượng người lần đầu nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần trước giảm 19.000, xuống 284.000 người. Đây là số lượng đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp nhất trong một tuần kể từ tháng 2/2006.

Tuy vậy, cả ba chỉ số chính của Phố Wall vẫn tiếp tục rớt điểm và khởi động tháng Tám trong "sắc đỏ," do giới đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng sau khi thị trường mất khoảng 2% trong phiên giao dịch trước đó.

Ngoài ra, thị trường cổ phiếu còn chịu áp lực bởi sự gia tăng lo ngại về khả năng Fed sẽ sớm nâng lãi suất, khi mà số liệu mới nhất đã chỉ ra rằng riêng trong tháng Bảy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có chiều hướng tăng trở lại (6,2%, tăng nhẹ so với tháng trước đó), nâng tổng số người thất nghiệp đến thời điểm này lên 9,67 triệu người.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 69,93 điểm (0,42%), xuống 16.493,37 điểm.

Chỉ số S&P500 mất 5,52 điểm (0,29%), xuống 1.925,15 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 17,13 điểm (0,39%), đóng cửa ở mức 4.352,64 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 467,20 điểm (2,75%) - mức giảm sâu nhất kể từ tháng 1/2014.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng lần lượt mất 53,19 điểm (2,69%) và 96,92 điểm (2,18%).

Tuần tới, giới đầu tư sẽ dồn sự quan tâm vào các báo cáo kinh tế quan trọng từ Mỹ như tỷ lệ thâm hụt thương mại tháng Sáu và kết quả hoạt động của ngành dịch vụ trong tháng Bảy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục