Từ đầu năm tới nay thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua nhiều cú sốc lớn, nhất là sau sự tàn phá của trận động đất kèm sóng thần ở Nhật Bản ngày 11/3, làm tổn thương nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, rồi đến "cuộc cách mạng hoa nhài" lam rộng ở Bắc Phi và Trung Đông, nguy cơ nợ công của Mỹ và khu vực đồng euro (Eurozone).
Tuy nhiên, sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ bị hãng Standard and Poor's (S&P) hạ bậc tín nhiệm uy tín nhất thế giới AAA xuống mức AA+ hôm 5/8 đã gây chấn động mạnh nhất, đẩy các sàn chứng khoán khắp thế giới vào một trận cuồng phong dữ dội.
Chứng khoán chao đảo và hiệu ứng đôminô
Trong bối cảnh châu Âu chưa thuyết phục được giới đầu tư quốc tế về khả năng giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nợ công, động thái của S&P càng thổi bùng lên nguy cơ đợt suy thoái mới sẽ ập xuống kinh tế toàn cầu, kéo theo sự sụp đổ của các thị trường chứng khoán thế giới.
Từ nhiều tháng qua, các sàn chứng khoán thế giới từ châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Á... đã rơi vào trạng thái ảm đạm và đỉnh điểm là đợt tuột dốc thảm hại được ghi nhận từ thời hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra vào những ngày đầu tháng Tám. Khắp các sàn giao dịch, nơi đâu cũng bị ngự trị bởi tâm lý hoang mang và bỏ chạy của các nhà đầu tư.
Mở màn từ Phố Wall vào phiên 4/8, các chỉ số chứng khoán chủ chốt giảm hơn 4% và rơi xuống thấp hơn mức khởi điểm năm 2011. Thị trường gần như hoảng loạn bởi làn sóng bán tháo cổ phiếu hòng cắt lỗ của giới đầu tư. Trước đó, đà bán ra cổ phiếu ồ ạt đã xuất hiện tại các thị trường châu Âu, khiến các các chỉ số chính giảm tới hơn 3%.
Sự tuột dốc trên các sàn Âu-Mỹ đã lập tức tác động tới Mỹ Latinh, làm các sàn lớn như Brazil, Argentina, Mexico lao đao, với mức sụt điểm không kém, từ 5,72% tới 6,01%. Sau đó tới lượt các sàn châu Á lao dốc vào phiên 5/8.
Xu hướng tương tự đã ghi nhận tại các sàn RTS và MMVB của Nga, châu Âu, Mỹ. Xa hơn là các sàn ở vùng Vịnh và Israel cũng phản ứng tiêu cực với lý do là sau khủng hoảng tài chính, các quỹ đầu tư của vùng Vịnh đã đầu tư nhiều vào Mỹ.
Lo ngại đợt thả dốc không phanh sẽ ập xuống thị trường khi mở sàn tuần giao dịch mới (phiên 8/8) đã trở thành hiện thực bởi toàn là màu đỏ ngự trị các sàn.
Ban đầu là châu Á, khu vực mở cửa sớm nhất, chỉ số trên các sàn chứng khoán đã rớt xuống mức thấp nhất của hai năm hậu khủng hoảng, bất chấp S&P lên tiếng rằng quyết định "lịch sử" hôm 5/8 sẽ không có tác động tức thời đối với việc đánh giá uy tín tài chính của vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Phố Wall tiếp tục hỗn loạn, bất chấp Tổng thống Obama trấn an trên truyền hình rằng: "Mỹ sẽ luôn trụ hạng AAA." Các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở Mỹ giảm trung bình hơn 5%. Chứng khoán châu Âu cũng rực đỏ với mức mất điểm ngang ngửa Phố Wall.
Thị trường chứng khoán tuột dốc đã làm giới đầu tư quay lưng với các tài sản rủi ro, khiến thị trường vàng "nhảy mú." Nhà đầu tư càng hoang mang trước những diễn biến xấu thêm tại Eurozone và chỉ còn cách neo vào vàng để bảo toàn nguồn vốn. Hệ quả là chỉ sau vài tuần phi mã, giá vàng đã xuyên thủng ngưỡng 1.780 USD/ounce.
Giá vàng cao kỷ lục và chưa có dấu hiệu chững lại cho thấy niềm tin vào đồng USD và đồng euro đã bị đổ vỡ, khi kinh tế Mỹ và Eurozone ngày càng lao đao. Giới đầu tư đang tháo chạy khỏi chứng khoán để đổ sang vàng vì lo ngại kinh tế toàn cầu có thể rơi vào "vòng xoáy" suy thoái mới. Giá vàng ngất ngưởng dường như chẳng hề làm họ chùn bước.
Không chỉ vậy, giới đầu tư còn quay sang trái phiếu chính phủ Mỹ, bất chấp lo ngại việc rớt hạng tín dụng có thể dẫn đến việc bán tháo trái phiếu, khiến lãi suất tăng, bởi sự mong manh của kinh tế toàn cầu đã làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản ít rủi ro. Không có tài sản nào trên thế giới có tính thanh khoản tốt như trái phiếu chính phủ Mỹ và cũng hiếm có tài sản được xem là an toàn hơn. Thậm chí lãi suất trái phiếu 10 năm còn rơi xuống mức thấp kỷ lục 2,03% trong phiên 9/8.
Đồng hành với cảnh đỏ rực ở Phố Wall là thị trường dầu mỏ, do giới đầu tư mất niềm tin vào kinh tế Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone đang đe dọa nhu cầu năng lượng. Giá dầu đã rơi xuống mức thấp nhất từ đầu năm nay. Mối lo về nguy cơ suy thoái kép tại Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã cản bước giới đầu tư dầu mỏ.
Giới phân tích đang hoang mang về triển vọng thị trường và lo ngại tái diễn bức tranh thị trường dầu mỏ năm 2008 thời điểm giá dầu sau khi áp sát 150 USD/thùng đã để mất hơn 75% giá trị chỉ trong một thời gian ngắn.
Vàng càng thăng hoa, thị trường tiền tệ càng ảm đạm. Các đồng tiền châu Á trải qua đợt xuống giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2010 do ảnh hưởng của đợt lao dốc của chứng khoán trong bối cảnh tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu trở lại trì trệ. Tất cả 25 đồng tiền của các nền kinh tế đang nổi, trừ đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, đều đang rớt giá mạnh.
Theo Ngân hàng JPMorgan Chase, biến động tiền tệ của các nền kinh tế thị trường mới nổi đã tăng từ 8,9% ngày 20/7 lên 13,3% ngày 9/8, sau khi hầu như không có biến động nào đáng kể trong vòng 10 năm qua.
Thiệt đơn thiệt kép
Làn sóng bán tháo cổ phiếu đã làm thị trường vốn toàn cầu mất khoảng 2.500 tỷ USD trong tuần đầu tháng Tám - mức giảm mạnh như hồi tháng 11/2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đỉnh điểm. Số tiền thất thu từ thị trường tương đương quy mô kinh tế của một nước lớn ở châu Âu, như Pháp.
Chỉ số S&P 500 của Mỹ "bay" 1.370 tỷ USD tổng giá trị sau chín phiên giao dịch. Ở châu Âu, chỉ số FTSE của Anh đã mất 261 tỷ USD, trong khi ở Đức chỉ số DAX bị đánh cắp 120,5 tỷ USD, và 13,6 tỷ euro đã biến mất khỏi chỉ số CAC của thị trường Pháp.
Có lẽ "ngấm" đòn nhất chính là người giàu nhất thế giới - tỷ phú người Mexico Carlos Slim bị "cuốn mất" 8 tỷ USD trong vòng chỉ một tuần do các chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn IPC của Sàn Mexico giảm 6,4%.
Tổng giá trị chứng khoán mà tỷ phú này nắm giữ đã giảm 11% kể từ ngày 29/7, khiến tài sản chỉ còn 63 tỷ USD so với 71 tỷ USD trước đó, tương đương với mức giảm 7,2% của chỉ số S&P 500 - chỉ số chứng khoán trung bình 500 công ty hàng đầu của Mỹ.
Việc 3 công ty hàng đầu của tỷ phú Slim rút khỏi thị trường chứng khoán Mexico đang làm xấu đi hơn nữa hiện trạng tài chính của ông trùm viễn thông này. Cùng cảnh ngộ đó, còn có hai ông trùm khác được Tạp chí Forbes xếp là người giàu nhất thế giới 2 năm liên tiếp (2010 và 2011): hai tỷ phú Mỹ Bill Gates và Warren Buffett cũng bị "bốc hơi" tài sản lần lượt là 6,3% và 3,9%.
Nhân tố Mỹ và châu Âu
Theo các chuyên gia, đợt xuống dốc không phanh trên các sàn chứng khoán thế giới xuất phát từ tâm lý lo ngại kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một cuộc suy thoái kép khi mà châu Âu vẫn lúng túng với cuộc khủng hoảng công tại nhiều nước thành viên Eurozone, trong khi Mỹ - nền kinh tế đầu tàu, vẫn đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kinh tế và ngân sách.
Mặc Quốc hội Mỹ đã thông qua luật nâng trần nợ công cứu nước Mỹ khỏi nguy cơ bị vỡ nợ song nền kinh tế này vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề, gây áp lực cho thị trường. Việc Mỹ bị đánh tụt hạng tín dụng đã khiến các nhà đầu tư cổ phiếu càng bất an.
Tuy nhiên, theo ông David Beers, người đứng đầu bộ phận đánh giá nợ chính phủ của S&P, sự chao đảo trên thị trường không chỉ xuất phát từ các khó khăn tài chính của Mỹ, mà còn là những gì đang xảy ra ở châu Âu và lo ngại kinh tế thế giới trì trệ. Các thị trường phản ứng mạnh là do nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ vì quyết định hôm 5/8 của S&P.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, nối gót Hy Lạp, hai nền kinh tế lớn của khu vực Eurozone là Italy và Tây Ban Nha, cũng đang sa vào vũng lầy nợ. Các vấn đề của châu Âu đang tác động nghiêm trọng đến thị trường thế giới. Thêm vào đó, một mối lo khác đang manh nha, xuất phát từ việc chi phí vay mượn của Pháp hiện có một khoảng cách lớn chưa từng có so với Đức.
Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, triển vọng không rõ ràng về chính sách tài chính của Mỹ, sự suy giảm tiêu dùng trên thế giới - tất cả đang làm giới đầu tư hoang mang. Họ không muốn rủi ro và quyết định bán chứng khoán với tương lai không chắc chắn.
Tương lai nào cho thị trường chứng khoán?
Trước tình nguy cấp đó, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G-7 đã tiến hành hội nghị khẩn cấp qua điện thoại, và nhất trí thực hiện mọi biện pháp cần thiết để duy trì sự ổn định về tài chính và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng.
Tuyên bố đưa sau Hội nghị khẳng định "cam kết giải quyết những căng thẳng bắt nguồn từ những thách thức hiện nay về thâm hụt ngân sách nhà nước, nợ công và tăng trưởng kinh tế, đồng thời hoan nghênh những hành động mang tính quyết định của Mỹ và châu Âu."
Sau đó Nhóm G-20 cũng cam kết "cùng thực thi tất cả các sáng kiến cần thiết để góp phần ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trên tinh thần hợp tác và tin tưởng" và "hợp tác thích hợp, sẵn sàng hành động để đảm bảo sự ổn định tài chính và khả năng thanh khoản trên các thị trường tài chính."
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hoan nghênh cam kết trên và nhấn mạnh sự hợp tác sẽ góp phần duy trì niềm tin và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong một nỗ lực khác Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì lãi suất siêu thấp từ 0-0,25% và xem xét các công cụ khác để thúc đẩy nền kinh tế đang èo uột. Các quyết định của FED đã để ngỏ khả năng Chính phủ Mỹ sẽ sớm thực hiện đợt nới lỏng có định lượng đợt III (QE III).
Theo giới phân tích, đợt tuột dốc chứng khoán lần này không phải là sự tái diễn của vụ sụp đổ chứng khoán như hồi mùa Thu 2008, mà chỉ là biểu hiện của tâm lý hoài nghi về năng lực của chính quyền Obama trong việc tránh cho nước Mỹ khỏi rơi vào vòng suy thoái, vào lúc mà ngân sách Mỹ cũng như châu Âu đều đi theo hướng khắc khổ, và lãi suất đã gần chạm đến mức 0%. Nhưng dù sao thị trường sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực và tình trạng ảm đạm chưa thể lùi xa trong ngày một ngày hai./.
Tuy nhiên, sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ bị hãng Standard and Poor's (S&P) hạ bậc tín nhiệm uy tín nhất thế giới AAA xuống mức AA+ hôm 5/8 đã gây chấn động mạnh nhất, đẩy các sàn chứng khoán khắp thế giới vào một trận cuồng phong dữ dội.
Chứng khoán chao đảo và hiệu ứng đôminô
Trong bối cảnh châu Âu chưa thuyết phục được giới đầu tư quốc tế về khả năng giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nợ công, động thái của S&P càng thổi bùng lên nguy cơ đợt suy thoái mới sẽ ập xuống kinh tế toàn cầu, kéo theo sự sụp đổ của các thị trường chứng khoán thế giới.
Từ nhiều tháng qua, các sàn chứng khoán thế giới từ châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Á... đã rơi vào trạng thái ảm đạm và đỉnh điểm là đợt tuột dốc thảm hại được ghi nhận từ thời hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra vào những ngày đầu tháng Tám. Khắp các sàn giao dịch, nơi đâu cũng bị ngự trị bởi tâm lý hoang mang và bỏ chạy của các nhà đầu tư.
Mở màn từ Phố Wall vào phiên 4/8, các chỉ số chứng khoán chủ chốt giảm hơn 4% và rơi xuống thấp hơn mức khởi điểm năm 2011. Thị trường gần như hoảng loạn bởi làn sóng bán tháo cổ phiếu hòng cắt lỗ của giới đầu tư. Trước đó, đà bán ra cổ phiếu ồ ạt đã xuất hiện tại các thị trường châu Âu, khiến các các chỉ số chính giảm tới hơn 3%.
Sự tuột dốc trên các sàn Âu-Mỹ đã lập tức tác động tới Mỹ Latinh, làm các sàn lớn như Brazil, Argentina, Mexico lao đao, với mức sụt điểm không kém, từ 5,72% tới 6,01%. Sau đó tới lượt các sàn châu Á lao dốc vào phiên 5/8.
Xu hướng tương tự đã ghi nhận tại các sàn RTS và MMVB của Nga, châu Âu, Mỹ. Xa hơn là các sàn ở vùng Vịnh và Israel cũng phản ứng tiêu cực với lý do là sau khủng hoảng tài chính, các quỹ đầu tư của vùng Vịnh đã đầu tư nhiều vào Mỹ.
Lo ngại đợt thả dốc không phanh sẽ ập xuống thị trường khi mở sàn tuần giao dịch mới (phiên 8/8) đã trở thành hiện thực bởi toàn là màu đỏ ngự trị các sàn.
Ban đầu là châu Á, khu vực mở cửa sớm nhất, chỉ số trên các sàn chứng khoán đã rớt xuống mức thấp nhất của hai năm hậu khủng hoảng, bất chấp S&P lên tiếng rằng quyết định "lịch sử" hôm 5/8 sẽ không có tác động tức thời đối với việc đánh giá uy tín tài chính của vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Phố Wall tiếp tục hỗn loạn, bất chấp Tổng thống Obama trấn an trên truyền hình rằng: "Mỹ sẽ luôn trụ hạng AAA." Các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở Mỹ giảm trung bình hơn 5%. Chứng khoán châu Âu cũng rực đỏ với mức mất điểm ngang ngửa Phố Wall.
Thị trường chứng khoán tuột dốc đã làm giới đầu tư quay lưng với các tài sản rủi ro, khiến thị trường vàng "nhảy mú." Nhà đầu tư càng hoang mang trước những diễn biến xấu thêm tại Eurozone và chỉ còn cách neo vào vàng để bảo toàn nguồn vốn. Hệ quả là chỉ sau vài tuần phi mã, giá vàng đã xuyên thủng ngưỡng 1.780 USD/ounce.
Giá vàng cao kỷ lục và chưa có dấu hiệu chững lại cho thấy niềm tin vào đồng USD và đồng euro đã bị đổ vỡ, khi kinh tế Mỹ và Eurozone ngày càng lao đao. Giới đầu tư đang tháo chạy khỏi chứng khoán để đổ sang vàng vì lo ngại kinh tế toàn cầu có thể rơi vào "vòng xoáy" suy thoái mới. Giá vàng ngất ngưởng dường như chẳng hề làm họ chùn bước.
Không chỉ vậy, giới đầu tư còn quay sang trái phiếu chính phủ Mỹ, bất chấp lo ngại việc rớt hạng tín dụng có thể dẫn đến việc bán tháo trái phiếu, khiến lãi suất tăng, bởi sự mong manh của kinh tế toàn cầu đã làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản ít rủi ro. Không có tài sản nào trên thế giới có tính thanh khoản tốt như trái phiếu chính phủ Mỹ và cũng hiếm có tài sản được xem là an toàn hơn. Thậm chí lãi suất trái phiếu 10 năm còn rơi xuống mức thấp kỷ lục 2,03% trong phiên 9/8.
Đồng hành với cảnh đỏ rực ở Phố Wall là thị trường dầu mỏ, do giới đầu tư mất niềm tin vào kinh tế Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone đang đe dọa nhu cầu năng lượng. Giá dầu đã rơi xuống mức thấp nhất từ đầu năm nay. Mối lo về nguy cơ suy thoái kép tại Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã cản bước giới đầu tư dầu mỏ.
Giới phân tích đang hoang mang về triển vọng thị trường và lo ngại tái diễn bức tranh thị trường dầu mỏ năm 2008 thời điểm giá dầu sau khi áp sát 150 USD/thùng đã để mất hơn 75% giá trị chỉ trong một thời gian ngắn.
Vàng càng thăng hoa, thị trường tiền tệ càng ảm đạm. Các đồng tiền châu Á trải qua đợt xuống giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2010 do ảnh hưởng của đợt lao dốc của chứng khoán trong bối cảnh tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu trở lại trì trệ. Tất cả 25 đồng tiền của các nền kinh tế đang nổi, trừ đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, đều đang rớt giá mạnh.
Theo Ngân hàng JPMorgan Chase, biến động tiền tệ của các nền kinh tế thị trường mới nổi đã tăng từ 8,9% ngày 20/7 lên 13,3% ngày 9/8, sau khi hầu như không có biến động nào đáng kể trong vòng 10 năm qua.
Thiệt đơn thiệt kép
Làn sóng bán tháo cổ phiếu đã làm thị trường vốn toàn cầu mất khoảng 2.500 tỷ USD trong tuần đầu tháng Tám - mức giảm mạnh như hồi tháng 11/2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đỉnh điểm. Số tiền thất thu từ thị trường tương đương quy mô kinh tế của một nước lớn ở châu Âu, như Pháp.
Chỉ số S&P 500 của Mỹ "bay" 1.370 tỷ USD tổng giá trị sau chín phiên giao dịch. Ở châu Âu, chỉ số FTSE của Anh đã mất 261 tỷ USD, trong khi ở Đức chỉ số DAX bị đánh cắp 120,5 tỷ USD, và 13,6 tỷ euro đã biến mất khỏi chỉ số CAC của thị trường Pháp.
Có lẽ "ngấm" đòn nhất chính là người giàu nhất thế giới - tỷ phú người Mexico Carlos Slim bị "cuốn mất" 8 tỷ USD trong vòng chỉ một tuần do các chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn IPC của Sàn Mexico giảm 6,4%.
Tổng giá trị chứng khoán mà tỷ phú này nắm giữ đã giảm 11% kể từ ngày 29/7, khiến tài sản chỉ còn 63 tỷ USD so với 71 tỷ USD trước đó, tương đương với mức giảm 7,2% của chỉ số S&P 500 - chỉ số chứng khoán trung bình 500 công ty hàng đầu của Mỹ.
Việc 3 công ty hàng đầu của tỷ phú Slim rút khỏi thị trường chứng khoán Mexico đang làm xấu đi hơn nữa hiện trạng tài chính của ông trùm viễn thông này. Cùng cảnh ngộ đó, còn có hai ông trùm khác được Tạp chí Forbes xếp là người giàu nhất thế giới 2 năm liên tiếp (2010 và 2011): hai tỷ phú Mỹ Bill Gates và Warren Buffett cũng bị "bốc hơi" tài sản lần lượt là 6,3% và 3,9%.
Nhân tố Mỹ và châu Âu
Theo các chuyên gia, đợt xuống dốc không phanh trên các sàn chứng khoán thế giới xuất phát từ tâm lý lo ngại kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một cuộc suy thoái kép khi mà châu Âu vẫn lúng túng với cuộc khủng hoảng công tại nhiều nước thành viên Eurozone, trong khi Mỹ - nền kinh tế đầu tàu, vẫn đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kinh tế và ngân sách.
Mặc Quốc hội Mỹ đã thông qua luật nâng trần nợ công cứu nước Mỹ khỏi nguy cơ bị vỡ nợ song nền kinh tế này vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề, gây áp lực cho thị trường. Việc Mỹ bị đánh tụt hạng tín dụng đã khiến các nhà đầu tư cổ phiếu càng bất an.
Tuy nhiên, theo ông David Beers, người đứng đầu bộ phận đánh giá nợ chính phủ của S&P, sự chao đảo trên thị trường không chỉ xuất phát từ các khó khăn tài chính của Mỹ, mà còn là những gì đang xảy ra ở châu Âu và lo ngại kinh tế thế giới trì trệ. Các thị trường phản ứng mạnh là do nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ vì quyết định hôm 5/8 của S&P.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, nối gót Hy Lạp, hai nền kinh tế lớn của khu vực Eurozone là Italy và Tây Ban Nha, cũng đang sa vào vũng lầy nợ. Các vấn đề của châu Âu đang tác động nghiêm trọng đến thị trường thế giới. Thêm vào đó, một mối lo khác đang manh nha, xuất phát từ việc chi phí vay mượn của Pháp hiện có một khoảng cách lớn chưa từng có so với Đức.
Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, triển vọng không rõ ràng về chính sách tài chính của Mỹ, sự suy giảm tiêu dùng trên thế giới - tất cả đang làm giới đầu tư hoang mang. Họ không muốn rủi ro và quyết định bán chứng khoán với tương lai không chắc chắn.
Tương lai nào cho thị trường chứng khoán?
Trước tình nguy cấp đó, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G-7 đã tiến hành hội nghị khẩn cấp qua điện thoại, và nhất trí thực hiện mọi biện pháp cần thiết để duy trì sự ổn định về tài chính và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng.
Tuyên bố đưa sau Hội nghị khẳng định "cam kết giải quyết những căng thẳng bắt nguồn từ những thách thức hiện nay về thâm hụt ngân sách nhà nước, nợ công và tăng trưởng kinh tế, đồng thời hoan nghênh những hành động mang tính quyết định của Mỹ và châu Âu."
Sau đó Nhóm G-20 cũng cam kết "cùng thực thi tất cả các sáng kiến cần thiết để góp phần ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trên tinh thần hợp tác và tin tưởng" và "hợp tác thích hợp, sẵn sàng hành động để đảm bảo sự ổn định tài chính và khả năng thanh khoản trên các thị trường tài chính."
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hoan nghênh cam kết trên và nhấn mạnh sự hợp tác sẽ góp phần duy trì niềm tin và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong một nỗ lực khác Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì lãi suất siêu thấp từ 0-0,25% và xem xét các công cụ khác để thúc đẩy nền kinh tế đang èo uột. Các quyết định của FED đã để ngỏ khả năng Chính phủ Mỹ sẽ sớm thực hiện đợt nới lỏng có định lượng đợt III (QE III).
Theo giới phân tích, đợt tuột dốc chứng khoán lần này không phải là sự tái diễn của vụ sụp đổ chứng khoán như hồi mùa Thu 2008, mà chỉ là biểu hiện của tâm lý hoài nghi về năng lực của chính quyền Obama trong việc tránh cho nước Mỹ khỏi rơi vào vòng suy thoái, vào lúc mà ngân sách Mỹ cũng như châu Âu đều đi theo hướng khắc khổ, và lãi suất đã gần chạm đến mức 0%. Nhưng dù sao thị trường sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực và tình trạng ảm đạm chưa thể lùi xa trong ngày một ngày hai./.
Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)