Chứng khoán toàn cầu hầu hết đi xuống trong phiên 20/4, do những khó khăn của ngành ôtô và lo ngại về triển vọng kinh tế liên quan tới xu hướng tăng lãi suất nhằm “hạ nhiệt” lạm phát.
Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống 33.786,62 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt mất 0,6% xuống 4.129,79 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 0,8% và khép phiên ở mức 12.059,56 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đa phần cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm.
Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) là điểm sáng hiếm hoi khi tăng khoảng 0,1% lên 7.902,61 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,6% xuống 15.795,97 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,1% xuống 7.538,71 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,2% xuống 4.384,86 điểm.
Giá cổ phiếu của nhóm các nhà sản xuất ôtô đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Tesla công bố lợi nhuận quý đầu tiên sụt giảm, do việc giảm giá mạnh đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty xe điện này.
Cổ phiếu của Tesla giảm gần 10% xuống 162,99 USD/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu của tất cả các nhà sản xuất ô tô khác cũng bị ảnh hưởng do lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến giá cả.
Cổ phiếu của Ford và GM đều mất khoảng 3% xuống lần lượt 11,87 USD/cổ phiếu và 33,54 USD/cổ phiếu.
[Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều giảm điểm]
Tại châu Âu, “gã khổng lồ” Renault của Pháp mất gần 8% xuống 33,70 euro (36,9 USD)/cổ phiếu mặc dù thu nhập quý đầu tiên cao. Cổ phiếu Stellantis - chủ sở hữu của Chrysler, Fiat, Jeep, Maserati, Peugeot và các thương hiệu nổi tiếng khác - giảm hơn 5% xuống 16,05 euro/cổ phiếu.
Ông Michael Hewson, Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại công ty dịch vụ tài chính CMC Markets chi nhánh tại Anh, cho biết, trong một tuần khá mất phương hướng, các thị trường đang gặp khó khăn do sự sụt giảm của các nhà sản xuất ôtô và giá dầu thấp hơn đè nặng lên thị trường tổng thể.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho biết thêm rằng các nhà đầu tư một lần nữa lo lắng về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Chi phí đi vay cao hơn đang hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng, tăng chi phí tín dụng cho các doanh nghiệp cũng như cá nhân, qua đó làm trật bánh các hoạt động kinh tế.
Tại thị trường trong nước chốt phiên giao dịch ngày 20/4, VN-Index tăng 0,27 điểm lên 1.049,25 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,76 điểm lên 206,61 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 76,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.067 tỷ đồng.
Cùng với chứng khoán, giá dầu thế giới tiếp tục giảm trong phiên giao dịch 20/4. Giá dầu thô giao kỳ hạn đã liên tục giảm trong phiên giao dịch 20/4 giữa những đồn đoán về động thái lãi suất sắp tới của các ngân hàng trung ương.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2023 giảm 1,87 USD (2,36%) xuống 77,29 USD/thùng trên Sàn giao dịch hàng hóa New York. Giá dầu Brent giao tháng 6/2023 giảm 2,02 USD (2,43%) xuống 81,1 USD/thùng trên Sàn giao dịch ICE London.
PVM Oil Associates cho biết, trọng tâm tình trạng bất ổn trên thị trường là những dự báo về việc tăng lãi suất làm giảm tốc độ tăng trưởng ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Christopher Lewis, nhà phân tích thị trường của FX Empire, cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm sâu.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại OANDA nhận định rằng bất chấp những rủi ro trong ngắn hạn giá dầu thô vẫn có thể ở mức 80 USD/thùng./.