Chứng khoán toàn cầu đều giảm điểm trong phiên 9/11, khi các nhà giao dịch vật lộn với kết quả bầu cử bất phân thắng bại của Mỹ cùng biến động trên thị trường tiền điện tử.
Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất gần 650 điểm (2%) xuống khép phiên ở mức 32.513,94 điểm.
Chỉ số quan trọng này đã dứt chuỗi tăng kéo dài ba ngày vốn được xây dựng dựa trên kỳ vọng rằng đảng Cộng hòa sẽ giành được ít nhất một viện Quốc hội từ đảng Dân chủ, qua đó mang lại một kịch bản bế tắc được coi là “an toàn” cho các thị trường.
Hiện tại, đảng Cộng hòa dường như đang chiếm đa số hẹp tại Hạ viện Mỹ, dù mức tăng thấp hơn dự kiến.
Chỉ số S&P 500 cũng sụt 2,1% xuống 3.748,57 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 2,5% và khép phiên ở mức 10.353.175 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm.
Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,1% xuống 7.296,25 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,2% xuống 13.666,32 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,2% xuống 6.430,57 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,3% xuống 3.728,03 điểm.
[Các thị trường chứng khoán châu Á để mất động lực trong phiên 9/11]
Nhà đầu tư cũng lưu ý về sự trượt dốc liên tục của đồng bitcoin, vốn đã chịu nhiều tác động từ tình trạng gần như sụp đổ của nền tảng tiền điện tử FTX. Phiên này, bitcoin lại xuống mức thấp 16.034,70 USD đổi 1 bitcoin.
Binance, nền tảng tiền điện tử lớn nhất thế giới, thông báo họ sẽ chấm dứt kế hoạch mua lại đối thủ FTX.com một ngày sau khi tiết lộ rằng họ đã ký một bức thư không ràng buộc về ý định mua FTX.
Nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada tại công ty dịch vụ tài chính City Index và FOREX.com cho biết ngay cả khi không tham gia vào thị trường tiền điện tử, tình trạng hỗn loạn chắc chắn là điều nhà đầu tư cần để mắt tới. Vì đó có thể là một yếu tố bổ sung ảnh hưởng đến nhu cầu về tài sản rủi ro trên các thị trường tài chính.
Tại Trung Quốc, những đồn đoán về việc nước này sẽ duy trì các chính sách kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt trong bao lâu đã thúc đẩy sự biến động trên thị trường, mặc dù chính phủ cam kết sẽ không thay đổi hướng đi.
Các biện pháp kiểm soát đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc, với số liệu công bố hôm 9/11 cho thấy chỉ số giá sản xuất tháng 10 của Trung Quốc đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái và rơi vào vùng âm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020.
Thị trường cũng sẽ chú ý tới số liệu lạm phát của Mỹ dự kiến công bố ngày 10/11 (giờ địa phương). Giới đầu tư sẽ phân tích các số liệu này để hiểu về tác động của nó đối với chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Tại thị trường Việt Nam, khép phiên 9/11, chỉ số VN-Index tăng 0,4% lên 985,59 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,81% lên 201,39 điểm./.