Xuất hiện ở Việt Nam mới được gần 1 năm, nhưng mô hình mua phiếu giảm giá theo nhóm qua mạng đang bắt đầu trở nên khá phổ biến tại Việt Nam.
Đây là hình thức nhiều người mua sắm một sản phẩm hoặc một dịch vụ thông qua trung gian - là một trang web - trong một khoảng thời gian quy định để được hưởng mức giá ưu đãi có thể từ 30 đến 90% so với giá gốc.
Lợi ích đem lại cho người tiêu dùng là không thể phủ nhận, song đến nay, mô hình này đã bắt đầu xuất hiện những vấn đề gây thiệt thòi cho người dùng.
Rẻ chưa hẳn đã tốt
Dạo qua các trang web cung cấp các dịch vụ mua chung, thông dụng nhất phải kể đến các trang hotdeal.vn,nhommua.com,muachung.vn,cungmua.com,cucre.vn,runhau.vn,phagia.com.vn, deal.zing.vn…
Với hình thức giảm giá khá mạnh từ 30% đến 90%, phiếu mua chung luôn có lượng đặt hàng cao, nhiều sản phẩm chỉ sau vài ngày đã bán được hàng trăm phiếu, thậm chí cả nghìn phiếu.
Các dịch vụ và hàng hóa đều rất phong phú, từ dịch vụ làm đẹp, ăn uống, du lịch, mỹ phẩm, đến điện thoại..., có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng mà hình thức mua rất "thuận tiện."
Khách hàng chỉ cần nhấp chuột, làm theo hướng dẫn là hoàn tất đơn đặt hàng, sau đó đợi nhân viên của trang web giao hàng là xong. Hình thức thanh toán của loại dịch vụ này theo đó cũng rất đa dạng, khách hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp, thẻ tín dụng, thẻ ATM, qua dịch vụ Internet banking…
Với những ưu điểm này, mua chung theo nhóm đang là hình thức mua sắm, tiêu dùng mới mà giới trẻ và những người bận rộn ưa chuộng. Tuy nhiên, gần đây đã có không ít người mua phiếu giảm giá phải “mang bực bội vào người” vì sản phẩm không đúng như quảng cáo, hoặc có giá cao hơn so với thực tế. Rất nhiều khách hàng đã bức xúc về kiểu mua phiếu giới thiệu một đằng, khi sử dụng thực tế lại một nẻo.
Anh Nguyễn Quang Khánh, nhân viên một đại lý vé máy bay cho biết, hơn một tháng trước, anh đã mua một phiếu đồ ăn Nhật dành cho 2 người với giá 320.000 đồng (đã được giảm giá 50%) tại một nhà hàng ở Cầu Giấy. (Hà Nội). Nhưng suất ăn cho 2 người lại ít hơn hình ảnh quảng cáo rất nhiều, nhân viên phục vụ thiếu tận tình và đặc biệt là đồ ăn không tươi ngon.
Ngoài chất lượng của các sản phẩm không như quảng cáo tại các trang web thì giá nêu trên mạng bán phiếu cũng chưa thực sự rẻ hơn so với thực tế. Hầu hết các phiếu giảm giá đều rẻ hơn ít nhất 30% so với giá chính thức nhưng thực tế, nhiều trường hợp giá lại không như vậy.
Chẳng hạn, sản phẩm phiếu giảm giá 50% tập yoga Lộc Việt, còn 300.000 đồng cho 10 buổi tập nhưng tại một số trung tâm văn hóa, phòng tập yoga khác hay tại một số trang web như webtretho, lamchame, cũng với buổi tập tương đương chỉ có giá trung bình từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, khiến nhiều khách hàng sử dụng phiếu bị “hớ.”
Tương tự, một voucher thẩm mỹ răng trị giá 500.000 đồng chỉ còn 150.000 đồng, được giảm 70%. Tuy nhiên, qua tham khảo trên bảng giá, hầu hết các gói sản phẩm như tẩy trắng răng, điều trị tủy răng hàm… đều có giá rẻ nhất từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng. Chỉ sản phẩm nhổ răng, lấy cao răng… là có giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Điều này có nghĩa nếu khách hàng muốn làm các dịch vụ không có trong voucher mua hàng sẽ phải chi phí thêm khá nhiều tiền, trong khi đã phải chi trả cho voucher đó với giá cao hơn các nơi khác.
Người dùng cần thận trọng hơn
Hiện các sản phẩm voucher giảm giá đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn song bên cạnh đó cũng có không ít các sản phẩm thực hiện giảm giá để câu kéo khách trong khi chất lượng sản phẩm, phục vụ chưa thực sự tốt.
Một doanh nghiệp đưa ra các phiếu mua hàng chung giảm giá cho rằng lỗi đôi khi không chỉ từ phía người kinh doanh. Trước mắt, là do người mua không chịu xem kỹ điều kiện trên phiếu mà đã mua sản phẩm, gây hiểu lầm với doanh nghiệp.
Đại diện trang web nhommua.com cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến khách hàng không hài lòng, có thể là do khách hàng khó tính hoặc không đọc kỹ những lưu ý trên phiếu và của cửa hàng bán sản phẩm, hoặc cũng có thể là do một số ít nhà hàng chất lượng phục vụ chưa tốt.
Tuy nhiên, nếu nhận được sự phản ánh của khách hàng, nhommua sẽ cho kiểm tra lại, nếu đúng, thì sẽ không bán sản phẩm của cửa hàng đó nữa và thông báo lại cho khách hàng. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng cũng cần xem xét kỹ các điều kiện và hướng dẫn của mỗi phiếu mua để từ đó đưa ra quyết định mua đúng đắn, đồng thời trước khi mua, người tiêu dùng cũng nên gọi điện trực tiếp cho nơi cung cấp dịch vụ, sản phẩm và trang web trung gian để kiểm tra thông tin.
Sau khi mua phiếu, người sử dụng nên đặt chỗ trước tại nơi cung cấp dịch vụ, sản phẩm để xác nhận sự phục vụ và tránh tình trạng thiếu chỗ khi đến cửa hàng.
Hiện nay, theo Thông tư 46 của Bộ Công Thương về quy định quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, việc bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà hợp đồng không xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên thì tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử chịu trách nhiệm, song người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng hơn với thông tin mua bán qua mạng, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”./.
Đây là hình thức nhiều người mua sắm một sản phẩm hoặc một dịch vụ thông qua trung gian - là một trang web - trong một khoảng thời gian quy định để được hưởng mức giá ưu đãi có thể từ 30 đến 90% so với giá gốc.
Lợi ích đem lại cho người tiêu dùng là không thể phủ nhận, song đến nay, mô hình này đã bắt đầu xuất hiện những vấn đề gây thiệt thòi cho người dùng.
Rẻ chưa hẳn đã tốt
Dạo qua các trang web cung cấp các dịch vụ mua chung, thông dụng nhất phải kể đến các trang hotdeal.vn,nhommua.com,muachung.vn,cungmua.com,cucre.vn,runhau.vn,phagia.com.vn, deal.zing.vn…
Với hình thức giảm giá khá mạnh từ 30% đến 90%, phiếu mua chung luôn có lượng đặt hàng cao, nhiều sản phẩm chỉ sau vài ngày đã bán được hàng trăm phiếu, thậm chí cả nghìn phiếu.
Các dịch vụ và hàng hóa đều rất phong phú, từ dịch vụ làm đẹp, ăn uống, du lịch, mỹ phẩm, đến điện thoại..., có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng mà hình thức mua rất "thuận tiện."
Khách hàng chỉ cần nhấp chuột, làm theo hướng dẫn là hoàn tất đơn đặt hàng, sau đó đợi nhân viên của trang web giao hàng là xong. Hình thức thanh toán của loại dịch vụ này theo đó cũng rất đa dạng, khách hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp, thẻ tín dụng, thẻ ATM, qua dịch vụ Internet banking…
Với những ưu điểm này, mua chung theo nhóm đang là hình thức mua sắm, tiêu dùng mới mà giới trẻ và những người bận rộn ưa chuộng. Tuy nhiên, gần đây đã có không ít người mua phiếu giảm giá phải “mang bực bội vào người” vì sản phẩm không đúng như quảng cáo, hoặc có giá cao hơn so với thực tế. Rất nhiều khách hàng đã bức xúc về kiểu mua phiếu giới thiệu một đằng, khi sử dụng thực tế lại một nẻo.
Anh Nguyễn Quang Khánh, nhân viên một đại lý vé máy bay cho biết, hơn một tháng trước, anh đã mua một phiếu đồ ăn Nhật dành cho 2 người với giá 320.000 đồng (đã được giảm giá 50%) tại một nhà hàng ở Cầu Giấy. (Hà Nội). Nhưng suất ăn cho 2 người lại ít hơn hình ảnh quảng cáo rất nhiều, nhân viên phục vụ thiếu tận tình và đặc biệt là đồ ăn không tươi ngon.
Ngoài chất lượng của các sản phẩm không như quảng cáo tại các trang web thì giá nêu trên mạng bán phiếu cũng chưa thực sự rẻ hơn so với thực tế. Hầu hết các phiếu giảm giá đều rẻ hơn ít nhất 30% so với giá chính thức nhưng thực tế, nhiều trường hợp giá lại không như vậy.
Chẳng hạn, sản phẩm phiếu giảm giá 50% tập yoga Lộc Việt, còn 300.000 đồng cho 10 buổi tập nhưng tại một số trung tâm văn hóa, phòng tập yoga khác hay tại một số trang web như webtretho, lamchame, cũng với buổi tập tương đương chỉ có giá trung bình từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, khiến nhiều khách hàng sử dụng phiếu bị “hớ.”
Tương tự, một voucher thẩm mỹ răng trị giá 500.000 đồng chỉ còn 150.000 đồng, được giảm 70%. Tuy nhiên, qua tham khảo trên bảng giá, hầu hết các gói sản phẩm như tẩy trắng răng, điều trị tủy răng hàm… đều có giá rẻ nhất từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng. Chỉ sản phẩm nhổ răng, lấy cao răng… là có giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Điều này có nghĩa nếu khách hàng muốn làm các dịch vụ không có trong voucher mua hàng sẽ phải chi phí thêm khá nhiều tiền, trong khi đã phải chi trả cho voucher đó với giá cao hơn các nơi khác.
Người dùng cần thận trọng hơn
Hiện các sản phẩm voucher giảm giá đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn song bên cạnh đó cũng có không ít các sản phẩm thực hiện giảm giá để câu kéo khách trong khi chất lượng sản phẩm, phục vụ chưa thực sự tốt.
Một doanh nghiệp đưa ra các phiếu mua hàng chung giảm giá cho rằng lỗi đôi khi không chỉ từ phía người kinh doanh. Trước mắt, là do người mua không chịu xem kỹ điều kiện trên phiếu mà đã mua sản phẩm, gây hiểu lầm với doanh nghiệp.
Đại diện trang web nhommua.com cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến khách hàng không hài lòng, có thể là do khách hàng khó tính hoặc không đọc kỹ những lưu ý trên phiếu và của cửa hàng bán sản phẩm, hoặc cũng có thể là do một số ít nhà hàng chất lượng phục vụ chưa tốt.
Tuy nhiên, nếu nhận được sự phản ánh của khách hàng, nhommua sẽ cho kiểm tra lại, nếu đúng, thì sẽ không bán sản phẩm của cửa hàng đó nữa và thông báo lại cho khách hàng. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng cũng cần xem xét kỹ các điều kiện và hướng dẫn của mỗi phiếu mua để từ đó đưa ra quyết định mua đúng đắn, đồng thời trước khi mua, người tiêu dùng cũng nên gọi điện trực tiếp cho nơi cung cấp dịch vụ, sản phẩm và trang web trung gian để kiểm tra thông tin.
Sau khi mua phiếu, người sử dụng nên đặt chỗ trước tại nơi cung cấp dịch vụ, sản phẩm để xác nhận sự phục vụ và tránh tình trạng thiếu chỗ khi đến cửa hàng.
Hiện nay, theo Thông tư 46 của Bộ Công Thương về quy định quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, việc bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà hợp đồng không xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên thì tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử chịu trách nhiệm, song người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng hơn với thông tin mua bán qua mạng, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”./.
Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)