Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn

Hầm bí mật chứa gần 3 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn trong căn nhà số 287/70 từng phục vụ mục đích tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968 trở thành một chứng tích lịch sử.

40 năm đã đi qua, hầm bí mật chứa gần 3 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn trong căn nhà số 287/70 (đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) từng phục vụ mục đích tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968 đã trở thành một chứng tích lịch sử.

Căn hầm này là một trong những minh chứng hiển hách của quân và dân ta để làm nên ngày toàn thắng 30/4/1975 - Thống nhất đất nước.

Căn nhà số 287/70 nằm giữa 2 mặt tiền trên 2 con hẻm thông qua 2 đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần có diện tích khoảng 37m2 (dài 14,9m, rộng 2,5m).

Chủ nhà là ông Trần Văn Lai (Năm Lai), biệt danh là Mai Hồng Quế đã có 3 năm từ 1966 – 1968 để mua nhà và đào hầm bí mật.

Trong thời gian này, ông vừa làm việc cho Dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán Năm U-SOM (do ông thường vào cơ quan U-SOM của Mỹ đấu thầu), vừa hoạt động bí mật trong đơn vị Bảo đảm của Biệt động Sài Gòn.

Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ảnh 1
Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ảnh 2Các đồng chí giao liên vận chuyển vũ khí cho đơn vị đảm bảo chiến đấu tại căn cứ Thái Mỹ (Củ Chi). (Ảnh: Tư liệu)
Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ảnh 3Du khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu chứng tích lịch sử của Biệt động Sài Gòn. (Ảnh: Lê Minh)

Lấy cớ sửa nhà cần đào hầm vệ sinh và hệ thống thoát nước để che mắt địch, ông đưa vợ con về Gò Vấp, một mình ở lại căn nhà, ngày đi thầu khoán, đêm đào hầm.

Đất đào được ông đem bỏ vào thùng carton, rồi đưa lên ôtô mang đi đổ ở tận Bình Chánh để tránh địch phát hiện.

Căn hầm được hoàn thành sau bảy tháng có kích thước dài 2m, ngang 1,2m, cao 2,5m với 4 cửa thoát, vách và nền hầm được làm bằng xi măng dày để chống thấm.

Trong hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước, kích thước vừa một người chui để thoát hiểm.

Điểm đặt miệng hầm được chọn gần cầu thang và nắp đậy được cấu tạo bằng 6 miếng gạch dính liền có chốt vặn. Diện tích của nắp hầm là 0,4m x 0,6m. Chỉ cần dùng khoen đính chốt nhấc bổng nắp lên là có khoảng trống vừa một người chui xuống.

Căn hầm hoàn thành cũng là lúc đơn vị Bảo đảm tìm cách vận chuyển vũ khí về đây. Một bộ ván rỗng ruột do ông Trần Phú Cương, bí danh Năm Mộc - một chiến sĩ biệt động nội thành đóng đã được chuyển về xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi.

Tại đây, vũ khí được khéo léo cất giấu trong bộ ván rồi dùng xe bò chở đến điểm hẹn, nghi trang như một cuộc mua bán.

Bộ ván có chứa vũ khí bên trong tiếp tục được đưa lên ôtô mang biển số EC 6045 do Ba Bảo (Nguyễn Văn Bảo) lái chở đến điểm tập kết cất giấu trong hầm bí mật nhà ông Năm Lai.

Ngoài ra, vũ khí còn được giấu trong cà tăng (loại cót dùng làm vách) khoanh tròn. Mỗi lần xe chở vũ khí về nhà, các chiến sĩ đều chọn thời điểm trời gần tối, lùi xe vào tận trong nhà để tránh sự chú ý của mọi người xung quanh.

Rất nhiều vũ khí với nhiều chủng loại gồm súng ngắn, AK, đạn các loại, B40, bộc phá… đều được vận chuyển về căn hầm, chờ ngày xuất kích.

Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân (31/1/1968), 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động tập trung tại căn nhà số 287/70 nhận vũ khí.

Xuất phát trên 3 ôtô và một Honda tiến về dinh Độc Lập, đội 5 đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội dưới sự chỉ huy của ông Trương Hoàng Thanh (Ba Thanh).

Dù căn nhà sau đó rơi vào tay địch nhưng hầm vũ khí vẫn luôn là bí mật với chúng.

Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ảnh 4Một góc hầm bí mật chứa gần 3 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn tại căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) từng phục vụ mục đích tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968. (Ảnh: Lê Minh)
Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ảnh 5
Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ảnh 6
Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ảnh 7
Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ảnh 8Một góc hầm bí mật chứa gần 3 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn tại căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh) từng phục vụ mục đích tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968. (Ảnh: Lê Minh)
Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ảnh 9Cà tăng (tấm phên, cót), được ngụy trang để giấu các loại vũ khí như AK và B40. (Ảnh: Lê Minh)
Chứng tích lịch sử: Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ảnh 10Du khách nước ngoài tìm hiều về hầm bí mật chứa gần 3 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn. (Ảnh: Lê Minh)

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, căn nhà có hầm bí mật chứa vũ khí đã trở thành địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ tham quan, học tập. Đến năm 1986, căn nhà được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) khi đến thăm căn hầm này đã khen ngợi tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sỹ biệt động.

Di tích Hầm bí mật chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn đón khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan mỗi năm, chủ yếu là các đoàn học sinh, sinh viên, khách quốc tế…

Ông Makoto Hasebe, du khách người Nhật Bản chia sẻ: “Tôi tôn trọng những chiến tích mà người Việt đã làm được qua các cuộc chiến. Thế hệ trẻ của các bạn có nhiều lý do để tự hào với lịch sử dân tộc…”./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục