Mô phỏng cột mốc Trường Sa bồi đắp tình yêu biển đảo cho học sinh

Thứ Hai hàng tuần, sau giờ chào cờ, các em học sinh và các thày cô Trường THCS Mỹ Hòa, Quảng Nam, lại giành một phút lắng đọng dưới cột mốc mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa trong sân trường.
Mô phỏng cột mốc Trường Sa bồi đắp tình yêu biển đảo cho học sinh ảnh 1Giáo viên giới thiệu cho học sinh Trường THCS Mỹ Hòa các thông tin về vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa trên cột mốc mô phỏng. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Sau phút chào cờ nghiêm trang vào sáng thứ Hai hàng tuần, gần 1.000 thầy cô giáo và các em học sinh của Trường Trung học cơ sở Mỹ Hòa ở xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, lại giành một phút lắng đọng cùng nhau hướng về cột mốc mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa tọa lạc trong khuôn viên của trường.

Đây là ngôi trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xây dựng cột mốc mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa, nhằm bồi đắp tình yêu biển đảo cho học sinh.

Cột mốc mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa ở Trường Trung học cơ sở Mỹ Hòa là công trình của đoàn viên, thanh niên trong huyện tiến hành xây dựng và hoàn thành trong tháng Ba vừa qua.

Cột mốc có chiều cao từ bệ đến tới đỉnh là 4,2m, bề ngang 1,2m và được làm bằng bêtông cốt thép. Bên ngoài cột mốc được ốp đá và có ghi rõ vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa.

Anh Mai Anh Sơn, Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc cho biết công trình được hoàn thành sau 22 ngày thi công và là kết quả của sự đóng góp kinh phí cũng như ngày công của các bạn đoàn viên trong huyện.

Trường Trung học cơ sở Mỹ Hòa được chọn để dựng cột mốc mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa vì đây là ngôi trường lớn có đông học sinh nhất của huyện và có một bề dày truyền thống lịch sử 95 năm.

Theo các tư liệu lịch sử của huyện Đại Lộc, ngôi trường này được xem như cái nôi của phong trào cách mạng vùng Tây Bắc tỉnh Quảng Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại độc lập của dân tộc, nhiều thế hệ học sinh của nhà trường đã hăng hái tham gia cách mạng, lên đường nhập ngũ chiến đấu trên khắp các chiến trường.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan cột mốc mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa trong khuôn viên với những thảm cỏ xanh mướt dưới những tán cây bằng lăng đang nở những chùm hoa tím rực rỡ, thầy Huỳnh Văn Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mỹ Hòa cho biết, trước đây nội dung giáo dục về biển đảo luôn được nhà trường lồng ghép trong những tiết học các môn xã hội cũng như hoạt động ngoại khóa.

Khi công trình cột mốc này được hoàn thành xây dựng trong khuôn viên nhà trường là một niềm tự hào rất lớn đối với các thầy cô giáo cũng như các em học sinh ở đây.

Đây chính là không gian lý tưởng để các em học sinh cảm nhận rõ hơn sự gần gũi, gắn bó giữa những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở ngoài khơi xa với đất liền ngay trong chính mái trường thân yêu của mình.

Kể từ ngày khánh thành công trình ý nghĩa này, trong buổi sinh hoạt dưới cờ sáng thứ hai hàng tuần những cuộc thi nhỏ tìm hiểu về chủ quyền biển đảo được các em học sinh trong trường hào hứng tham gia sôi nổi.

Đối với học sinh nơi đây, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và những hòn đảo tiền tiêu khác của Tổ quốc không còn xa nữa mà hiện diện như một phần trong không gian của nhà trường.

Vừa cùng các bạn trong trường tham quan triển lãm những hình ảnh và tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, em Lê Như Quỳnh học sinh lớp 9/6 cho biết, em cũng như các bạn rất tự hào vì ngôi trường mình mới khánh thành một cột mốc mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa.

Cột mốc này giúp cho các em dễ dàng hình dung về cuộc sống của quân và dân trên những hòn đảo, ở ngoài đó có sự vất vả hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ hải quân và có cả những bạn học sinh cùng trang lứa đang hàng ngày cắp sách đến những ngôi trường trên đảo.

Để phục vụ nhu cầu tìm hiểu những thông tin chính thống về chủ đề biển đảo của các thầy cô giáo cũng như các em học sinh, Trường Trung học cơ sở Mỹ Hòa còn mua thêm nhiều đầu sách liên quan để bổ sung vào trong thư viện.

Theo thầy Nguyễn Phong, cán bộ Tổng phụ trách Đội của trường, thời gian tới nhà trường sẽ triển khai tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt phong phú tại khuôn viên cột mốc như kết nạp những học sinh ưu tú trở thành đoàn viên, mời những cán bộ chiến sỹ từng công tác ở ngoài đảo xa đến giao lưu với các em học sinh hay xây dựng không gian đọc sách ngoài trời tại đây…

Từ những ý nghĩa thiết thực ở trên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Đại Lộc vừa khánh thành thêm một cột mốc mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, ở xã Đại Quang và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục