Chuồn chuồn - Món ăn độc đáo và vị thuốc quý ở miền Đông Bắc Nhật Bản

Người dân địa phương ở một số khu vực của các tỉnh Iwate và Akita thường bắt chuồn chuồn, vặt bỏ cánh, ăn phần thân và chia sẻ rằng cảm giác giống như đang ăn thịt gà.

(Ảnh minh họa. Nguồn: theecologist)
(Ảnh minh họa. Nguồn: theecologist)

Một khám phá mới đã hé lộ truyền thống ẩm thực độc đáo nhưng ít được biết đến ở vùng Tohoku, Nhật Bản.

Nghiên cứu cho thấy ở một số khu vực của các tỉnh Iwate và Akita, người dân địa phương đã sử dụng chuồn chuồn không chỉ như món ăn mà còn như một vị thuốc quý.

Ông Shuji Watanabe, nhân viên quản lý cấp cao tại Bảo tàng tỉnh Iwate, đã biên soạn một báo cáo thực địa cho thấy việc ăn chuồn chuồn từ lâu đã là một phần của văn hóa ẩm thực địa phương ở một số vùng thuộc tỉnh Iwate và Akita.

Theo ông, người dân địa phương thường bắt chuồn chuồn, vặt bỏ cánh và ăn phần thân. Một số người còn chia sẻ rằng cảm giác khi ăn chuồn chuồn giống như đang ăn thịt gà.

Giáo sư Ryohei Sugahara, chuyên gia nghiên cứu về việc con người sử dụng côn trùng làm thực phẩm, đánh giá báo cáo của ông Watanabe thực sự rất thú vị. Ông cho biết việc người dân địa phương dùng chuồn chuồn trưởng thành để chế biến như một món ăn bình thường là điều khá hiếm.

Không chỉ được sử dụng làm thực phẩm, chuồn chuồn còn được người dân sử dụng làm thuốc ở nhiều vùng khác nhau của Nhật Bản từ thời cổ đại. Ở Iwate, có ghi chép về việc họ đốt chuồn chuồn đỏ và nghiền chúng thành bột để làm thuốc trị ho cho trẻ em.

Ông Watanabe cho biết ấu trùng chuồn chuồn giàu protein, còn chuồn chuồn trưởng thành chứa nhiều khoáng chất như canxi. Điều này giải thích tại sao người dân địa phương lại tin rằng chuồn chuồn có lợi cho sức khỏe.

Việc ăn côn trùng không phải là điều quá xa lạ ở Nhật Bản. Người dân ở các tỉnh như Nagano, Gunma và Aichi cũng có thói quen ăn châu chấu hoặc ấu trùng ong. Tuy nhiên, việc ăn chuồn chuồn vẫn là một nét văn hóa độc đáo của vùng Tohoku.

Việc sử dụng côn trùng làm thức ăn thường được coi là giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu lương thực toàn cầu do nhiều yếu tố gây ra, trong đó có tình trạng quá tải dân số.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, bọ cánh cứng và các loài côn trùng khác chiếm 31% các loài côn trùng được sử dụng làm món ăn trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục