Ngày 28/9 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ký quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường, đồng thời áp giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn.
Với vị thế là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, quyết định trên của Ấn Độ đã tác động mạnh mẽ đến thị trường gạo thế giới nói chung và thị trường gạo Việt Nam nói riêng.
Để hiểu thêm về tác động từ quyết định mới của Chính phủ Ấn Độ cũng như tìm ra phương thức giúp các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam tránh được những tác động và mở rộng vị thế trên toàn cầu, phóng viên TTXVN tại New Delhi đã có cuộc phỏng vấn ông Hiren Gandhi - Thư ký Hiệp hội các nhà nhập khẩu gia vị và nông sản toàn Ấn Độ (AISIF).
Theo ông Gandhi, Ấn Độ là nước sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), với sản lượng hàng năm là 118 triệu tấn, trong khi Việt Nam sản xuất 21,2 triệu tấn. Ấn Độ xuất khẩu 16,5 triệu tấn gạo mỗi năm, trong khi Việt Nam xuất khẩu 7,6 triệu tấn.
Những con số này mang lại cơ hội đáng kể cho cả hai nước hợp tác và tăng cường giao thương gạo. Để phát triển xuất khẩu gạo hơn nữa, chuyên gia Gandhi khuyến nghị phía Việt Nam thực hiện các chiến lược cụ thể.
Thứ nhất là nâng cao chất lượng gạo đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Điều này bao gồm việc phát triển các giống lúa chất lượng cao với những đặc tính cụ thể phục vụ cho các thị trường khác nhau.
Thứ hai là đa dạng hóa thị trường bằng cách hiểu rõ sở thích và nhu cầu riêng biệt của người tiêu dùng ở các khu vực khác nhau.
Thứ ba là xây dựng bộ nhận diện thương hiệu dễ nhận biết và đáng tin cậy cho gạo Việt Nam, làm nổi bật những phẩm chất độc đáo của sản phẩm.
Thứ tư, tăng cường quan hệ hợp tác với nông dân địa phương để đảm bảo chất lượng ổn định, thúc đẩy các phương pháp canh tác bền vững và hỗ trợ họ những tiến bộ mới nhất trong nông nghiệp.
Thứ năm, đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến để nâng cao chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm gạo. Điều này có thể bao gồm các kỹ thuật mới về xay xát, bảo quản và đóng gói.
Thứ sáu, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại để hiểu rõ hơn nhu cầu tiêu dùng, xu hướng thị trường và chiến lược giá ở các khu vực khác nhau.
Và cuối cùng là đảm bảo sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc quốc tế, những tiêu chuẩn ngày càng quan trọng đối với người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý.
Ông Gandhi cho rằng bằng cách thực hiện những chiến lược trên, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam có thể củng cố hơn nữa vị thế của mình trên thị trường toàn cầu và tiếp tục đạt được mức tăng trưởng vượt trội như đã diễn ra trong những năm gần đây.
Về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực gạo với Ấn Độ, ông Hiren Gandhi cho rằng hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này, đặc biệt đối với loại gạo lứt.
Theo ông, các nhà nhập khẩu Việt Nam nên nhập khẩu gạo lứt từ Ấn Độ, tiến hành chế biến tại Việt Nam và sau đó xuất khẩu ra toàn cầu. Hình thức này đã được thực hiện và nên thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, theo đó mang lại lợi ích cho cả hai bên./.
Giá gạo xuất khẩu chịu tác động sau chính sách của Ấn Độ
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.350 đồng/kg, giá bình quân là 6.736 đồng/kg, giảm 507 đồng/kg; giá lúa thường tại kho giảm trung bình 575 đồng/kg...