Chuyên gia đánh giá về "vị thế đang lên của Việt Nam trong khu vực"

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Việt Nam vừa qua cho thấy Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hình thế giới khiến Trung Quốc e ngại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại trụ sở Chính phủ ngày 19/10/2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại trụ sở Chính phủ ngày 19/10/2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong năm 2020, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế đã tăng lên đáng kể. Đây là nhận định của Tiến sỹ Pradhan, chuyên gia hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Chanakya Code, được đăng trên tờ Times of India. VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Gần đây, Việt Nam cũng là điểm đến cho nhiều chuyến thăm cấp cao. Điểm đến chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sau khi nắm quyền là Việt Nam.

Người tiền nhiệm của ông, Thủ tướng Abe Shinzo cũng lựa chọn Việt Nam cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kết thúc chuyến công du Đông Nam Á tại Việt Nam.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng về chiến lược. Đã có 12 văn bản hợp tác được ký kết giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trong chuyến thăm, trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng, năng lượng, kỹ thuật số với tổng giá trị khoảng 4 tỷ USD.

Hai nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thương mại và phòng chống COVID-19. Điều này rất có ý nghĩa trong xây dựng năng lực và phát triển công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.

Trước đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết một thỏa thuận cho vay ODA trị giá 347 triệu USD với chính phủ Việt Nam, theo đó hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực an ninh và an toàn hàng hải.

Trong khuôn khổ này, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được hỗ trợ tài chính để đóng mới 6 tàu tuần tra nhằm củng cố cơ quan an ninh hàng hải.

Việt Nam đang nổi lên là điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản có ý định chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Tháng Tám vừa qua, Thủ tướng Abe đã đảm bảo với Việt Nam về sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản đối với các doanh nghiệp chọn Việt Nam là địa điểm thay thế Trung Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau khi nhận thấy một nửa trong số doanh nghiệp Nhật Bản nhận hỗ trợ chính phủ phục vụ mở rộng chuỗi cung ứng đều lựa chọn Việt Nam.

Đặc biệt, cả Thủ tướng Suga và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đều tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng, hàng không ở Biển Đông; thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong mọi hoạt động trên biển.

Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mike Pompeo là nhằm thúc đẩy hợp tác Mỹ-Việt, đặc biệt là về thương mại và an ninh ở Biển Đông, rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Pompeo nhấn mạnh sự ủng hộ đối với chủ quyền của các nước Đông Nam Á, luật pháp và quốc tế và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Vào ngày Ngoại trưởng Mike Pompeo thực hiện công du Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố “Mỹ tôn trọng các quyền và lợi ích của Việt Nam, đồng thời mong muốn gìn giữ hòa bình, duy trì tự do trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế. Mỹ luôn đồng hành cùng các đồng minh, đối tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bảo vệ chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.”

Về bản chất, cả hai chuyến thăm trên không chỉ cho thấy quan hệ của Mỹ và Nhật Bản với Việt Nam ngày càng sâu sắc, mà còn cho thấy Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hình thế giới thông qua ủng hộ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm.

[Bước phát triển mới trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản]

Đó cũng là sự thừa nhận rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương vị trí lãnh đạo ASEAN.

Chắc chắn nếu sự cân bằng chiến lược được duy trì dựa trên nền tảng đa cực và pháp quyền, thì vai trò trung tâm của Việt Nam là vô cùng quan trọng.

Có một số yếu tố đằng sau việc Việt Nam đang nổi lên như là một quốc gia quan trọng. 

Chuyên gia đánh giá về "vị thế đang lên của Việt Nam trong khu vực" ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp riêng Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
 

Thứ nhất, Việt Nam là tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với đường chín đoạn ở Biển Đông và kiên quyết đấu tranh với sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Những điều đó đã không chỉ khiến các nước trong khu vực ngưỡng mộ, mà còn cả các cường quốc ngoài khu vực.

Thứ hai, sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam. Ngay cả trong thời kỳ đại dịch, Việt Nam cũng đã ghi nhận có tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam dự kiến đạt 6,8%.

Thứ ba, Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN và thể hiện vai trò mạnh mẽ, mang tính xây dựng.

Thứ tư, Việt Nam cũng đang có sự thể hiện ấn tượng trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong tháng đầu tiên là Ủy viên không thường trực, Việt Nam đã đảm nhiệm ngay vị trí Chủ tịch, chủ trì một số cuộc họp quan trọng thảo luận về các vấn đề an ninh Trung Đông, Syria, Colombia, Cộng hòa Trung Phi và Tây Phi; đồng thời tổ chức thành công hai cuộc họp quan trọng về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và hợp tác giữa Liên hợp quốc/Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ASEAN.

Việt Nam đã chủ trì cuộc thảo luận mở cấp bộ trưởng vào ngày 10/01/2020 với chủ đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc.”

Tại cuộc họp, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, ngăn chặn việc sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Cuộc họp thứ hai đã khởi động quá trình tham vấn giữa Hội đồng Bảo an và ASEAN.

Thứ năm, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để đối phó với đại dịch cả trong và ngoài nước.

Ở trong nước, công tác đối phó đại dịch của Việt Nam là rất đáng học hỏi, tỷ lệ tử vong là rất thấp. Việt Nam đã cảnh báo những nguy cơ từ loại virus này và kêu gọi hợp tác khu vực, quốc tế từ đầu tháng Hai.

Vào tháng Tư, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN+3 theo hình thức trực tuyến về ứng phó với COVID-19.

Các nước nhất trí trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau về vật tư y tế. Việt Nam cũng đã tham gia một số cuộc họp quốc tế trực tuyến và chia sẻ kinh nghiệm, cũng như đề xuất một số biện pháp đối phó với đại dịch; đồng thời cung cấp thiết bị y tế và bảo hộ thiết yếu không chỉ trong khu vực mà còn ở châu Á, châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ. Việt Nam nổi lên như một mô hình kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Chuyên gia đánh giá về "vị thế đang lên của Việt Nam trong khu vực" ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sáng 30/10/2020 tại Trụ sở Chính phủ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Vị thế của Việt Nam được nâng cao cũng là do khả năng gắn kết các cực khác nhau song song với bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế. Việt Nam đã duy trì quan hệ hết sức tốt đẹp với các nước trong khu vực cũng như các nước ngoài khu vực.

Việt Nam có quan hệ gần gũi với Ấn Độ, Nga, EU, Mỹ và cả Trung Quốc.

Trung Quốc hiện nhìn nhận mọi diễn biến qua lăng kính của cạnh tranh Trung-Mỹ.

Trong bối cảnh, Việt Nam sẽ phải cùng các nước khác đưa ra biện pháp phù hợp, cần vạch ra một chiến lược phối hợp hiệu quả để sớm triển khai Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm, có trật tự dựa trên luật lệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục