Chuyên gia hiến kế gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt”

Chuyên gia Trần Đình Thiên (Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ) cho rằng việc gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt” cần là nhiệm vụ mang tính trụ cột.
Chuyên gia hiến kế gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt” ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. (Ảnh:Vietnam+)

Hàng Việt ngày càng có sức hấp dẫn và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, đặc biệt độ phủ sóng của hàng “Made in Viet Nam” cũng sâu rộng khăng định vị thế vững chắc trên sân nhà.

Song trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, gần đây nhất là đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính vì vậy diễn đàn “Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các hiệp định thương mại thế hệ mới” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/10, tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến của giới chuyên gia và doanh nghiệp nhằm tạo sức bật cho hàng Việt tiếp tục vươn xa.

Đối diện nguy cơ cạnh tranh trực tiếp

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) năm 2019 cho thấy có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.

Cùng với đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao. Cụ thể, hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90%-93%, ở Satra 90%-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%… còn với các kênh phân phối nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm 65%-96%.

[Tận dụng EVFTA, đẩy mạnh hợp tác thương mại Việt Nam-Bulgaria]

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa.

Cùng với đó, thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA...

“Cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%,” ông Hải thông tin.

- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói về cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa khi tham gia các FTA:

Không chỉ thay đổi về hình thức, mẫu mã, nhiều doanh nghiệp Việt đã cho ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Cụ thể hơn, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sản xuất kinh doanh hàng Việt đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu đặc sản vùng miền sản phẩm OCOP…

Hiện nay, cả nước đã có 45 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm với trên 2.049 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 43 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm.

Tuy nhiên, bà Nga cũng thẳng thắn cho rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất là các hiệp định thế hệ mới như: EVFTA và CPTPP đã tạo ra cơ hội mua sắm cho người tiêu dùng song đây cũng là thách thức cho hàng Việt trong việc cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần…. Trong đó, những bất cập về qui mô lẫn kinh nghiệm trên thương trường là một trong những điểm yếu của nhiều doanh nghiệp nội.

“Một số vấn đề có thể thấy ở hàng Việt hiện nay là hàng hóa đa phần còn sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, giá cả có những mặt hàng còn cao hơn so với các nước. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng ít được cải tiến mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt… Khâu trung gian và lưu thông phân phối còn chiếm tỷ trọng cao dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế,” Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước chỉ ra những tồn tại, hạn chế.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có khoảng gần 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, song xét về quy mô, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, mặc dù là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế và chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong khi các donah nghiệp vừa và lớn chiếm tỷ trọng quá ít (khoảng 3%) tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng.

“Do quy mô nhỏ bé nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý... của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế,” Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

Tạo động lực cạnh tranh mới

Chính những tồn tại kể trên đã khiến số lượng các doanh nghiệp 100% vốn trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài còn ít.

Qua con số thống kê của dự án LinkSME, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, các công ty Nhật Bản (một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam), mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).

Không những vậy, báo cáo của Ngân hàng thế giới nêu rõ, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hay giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn là không đáng kể và còn hết sức hạn chế.

Đơn cử, trong ngành công nghiệp ôtô có 20 doanh nghiệp lắp ráp ôtô lớn đang hoạt động, chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3. Trong khi đó Thái Lan chỉ có 16 nhà lắp ráp ô tô lớn nhưng quốc gia này có tới 690 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

Chuyên gia hiến kế gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt” ảnh 2Các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia Diễn đàn. (Ảnh: Vietnam+)

Đánh giá từ thực tế, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên (Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ) thắng thắn cho rằng: “Không thể bác bỏ thực trạng yếu kém thực lực của các doanh nghiệp Việt sau 35 năm chuyển sang nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phải đặc biệt nỗ lực đạt được “trạng thái bình thường mới”, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp “nóng”. Theo đó, nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường, chính là các thị trường đầu vào (thị trường các nguồn lực) đúng nghĩa.

Từ ý kiến đưa ra, chuyên gia này đề nghị áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng” thay cho cách điều hành nền kinh tế theo nguyên lý “chọn người thắng”, bởi theo ông sự thay thế này sẽ giúp kích thích tinh thần đua tranh giành thắng một cách đàng hoàng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Gợi ý việc xác lập cách tư duy-tiếp cận mới về “mời gọi đại bàng” và “làm tổ cho đại bàng đến đẻ trứng”, ông Thiên cho rằng phải đặt việc xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt thành một Chương trình - Chiến lược hành động quốc gia ưu tiên hàng đầu, trong đó, việc gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt” phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột.

Ông Thiên đặt vấn đề “Khởi nghiệp quốc gia” cần được thiết kế lại đúng tầm, đúng yêu cầu thời đại để nhanh chóng “thay máu doanh nghiệp” cho nền kinh tế.

“Muốn vậy, cần đặc biệt chú ý đến cách xây dựng hệ thống thể chế phù hợp cho nền kinh tế số-công nghệ cao-trí tuệ. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn do tính chất phức tạp của hệ thống phát triển mới và do tính chất “chưa có tiền lệ” trong lịch sử phát triển thế giới,” Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên chi sẻ./.

Để tạo thêm nhiều động lực mới hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị cũng như các cụm liên kết, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, liên kết sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, tài chính tín dụng hay sản xuất thử nghiệm... Đây là những nội dung căn bản và cần thiết mà các doanh nghiệp cần phải thực hiện khi muốn tham gia vào các sân chơi quốc tế, chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với mục tiêu hỗ trợ doanh hơn vào nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Mục tiêu quan trọng của Dự án nhằm thúc đẩy mối quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng; nâng cao năng lực để tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Dự kiến hết năm 2023, với hỗ trợ của dự án sẽ có 52 kết nối thành công.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục