Chuyên gia Israel: Iran đang gây sức ép để EU cứu thỏa thuận hạt nhân

Giáo sư Meir Litvak cho rằng dù không chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, hay còn gọi là JCPOA, nhưng Iran đang dần điều chỉnh thu hẹp phạm vi tuân thủ thỏa thuận.
Thiết bị làm giàu urani tại nhà máy hạt nhân Nataz, cách thủ đô Tehran, Iran khoảng 300km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thiết bị làm giàu urani tại nhà máy hạt nhân Nataz, cách thủ đô Tehran, Iran khoảng 300km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc Iran thực hiện loại bước đi cắt giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, và mới đấy nhất là hoạt động làm giàu urani tại cơ sở dưới lòng đất Fordow, có thể là động thái nhằm gây sức ép đối với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) buộc các đối tác trên nới lỏng trừng phạt và cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.

Đây là nhận định giáo sư Meir Litvak, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Iran và Trung Đông thuộc Đại học Tel Aviv (Israel) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Israel.

Giáo sư Meir Litvak cho rằng dù không chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nhưng Iran đang dần điều chỉnh thu hẹp phạm vi tuân thủ thỏa thuận.

Động thái này tiếp tục đặt JCPOA trước nguy cơ đổ vỡ lớn sau khi Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này.

Theo giáo sư, Iran lấy việc tuân thủ JCPOA như một "quân bài" mặc cả buộc các nước EU cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, mà trước hết là gây sức ép để Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt Iran, đang khiến nền kinh tế nước này lâm vào khủng hoảng.

[Iran khẳng định đạt được những thành tựu hạt nhân quan trọng]

Giáo sư Meir Litvak lưu ý kinh tế Iran dường như có một cú hích sau khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt năm 2015.

Tháng 2/2016, Iran lần đầu tiên bắt đầu xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu trong vòng 3 năm. Nước này đã xuất khẩu 4 triệu thùng dầu sang Pháp, Tây Ban Nha và Nga. Những khách hàng chủ chốt của Iran bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản.

Tuy  nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ rút thỏa thuận hạt nhân 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran, thậm chí Washington còn công khai quyết tâm “bóp nghẹt” nền kinh tế Iran khi muốn thông qua gói trừng phạt “triệt tiêu” toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu vốn chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Chịu sự tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã sụt giảm từ 2 triệu thùng xuống còn 200.000-300.000 thùng/ngày, khiến doanh thu từ lĩnh vực này giảm rõ rệt.

Đó là chưa kể đến những thiệt hại khác của nền kinh tế, khi mà các công ty nước ngoài, do lo ngại các biện pháp của Mỹ, đã rút khỏi hàng loạt các dự án đầu tư tại Iran. Điều này đã dẫn đến việc nền kinh tế Iran suy thoái, tỷ lệ lạm phát cao, và thất nghiệp tăng...

Theo dự đoán của Giáo sư Meir Litvak, có thể Iran đang chờ đợi diễn biến sắp tới dựa trên kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và khả năng Tổng thống Trump, nếu tái đắc cử,  sẽ tỏ ra mềm dẻo hơn, để cả hai bên có thể quay trở lại bàn đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục