Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 11/11 đã lên tiếng cảnh báo Iran về hoạt động làm giàu urani mới của nước này, dọa sẽ kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp có thể mở đường cho việc gia hạn các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Maas cho biết Đức cùng hai quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran là Pháp và Anh dự kiến sẽ nhóm họp tại Paris (Pháp) để thảo luận cách ứng phó trước việc Iran giảm dần cam kết trong thỏa thuận này.
[Iran "khiêu khích nghiêm trọng," phương Tây "quan ngại sâu sắc"]
Ông cho biết Đức cùng với Pháp và Anh "rất quan ngại" về những hoạt động làm giàu urani khác mà Iran chưa công bố nhưng đang được tiến hành.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức tái khẳng định mong muốn của các nước EU duy trì thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tuy nhiên, ông cho biết Iran sẽ phải tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận, nếu không các nước này sẽ kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp.
Thỏa thuận JCPOA có điều khoản về lộ trình giải quyết tranh chấp, theo đó vụ việc có thể được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Iran sẽ bị tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc chỉ trong vòng 65 ngày.
Tuần trước, trong bước đi thứ tư nhằm cắt giảm cam kết theo thỏa thuận, Iran nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow, miền Nam nước này khi bắt đầu bơm khí urani vào các lò ly tâm.
Quốc gia này cũng đã bắt đầu làm giàu urani tại nhà máy Natanz ở miền Trung.
Tehran nhấn mạnh rằng các biện pháp mà nước này thực hiện có thể nhanh chóng được đảo ngược nếu các bên còn lại của thỏa thuận tìm ra cách giúp Iran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Từ tháng 5/2019, Iran đã bắt đầu giảm cam kết trong thỏa thuận JCPOA, đúng một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran./.