Thời gian gần đây, tại tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún và ngập úng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống người dân.
Rạng sáng 29/6, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, thành phố Đà Lạt.
Mưa lớn làm vỡ bờ kè bêtông từ trên cao, đất đá tràn xuống 4 ngôi nhà phía dưới trong khu vực.
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, hai ngôi nhà đã bị phá hủy, vùi lấp hoàn toàn; hai ngôi nhà 3 tầng và 4 tầng khác bị vùi lấp một phần, trong đó có một ngôi nhà bị nghiêng và có nguy cơ đổ sập.
Sạt lở cũng xảy ra ở nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Tại địa bàn phường 3, sạt lở đã xảy ra ở đường Đặng Thái Thân, Đống Đa, Triệu Việt Vương, An Bình, Ba tháng Tư… với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau khiến 3 căn nhà bị sập, một người bị thương và cây cối ngã đổ. Sạt lở đất xảy ra tại địa bàn phường 5 với mức độ nhẹ.
Mới đây, ngày 18/6, thông tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cho biết mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Một căn nhà của một gia đình bị đất sạt lở vùi lấp khiến ông Nghiêm Đình Quang (40 tuổi, trú tại thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc) tử vong; bà Nguyễn Ngọc Lan (35 tuổi, vợ ông Quang) bị thương.
Ngoài gia đình nạn nhân nói trên, vụ sạt lở còn vùi lấp, làm hư hỏng nhiều tài sản trong 2 phòng kinh doanh karaoke của gia đình ông Trương Đặng, ngay sát gia đình ông Quang.
Vụ sạt lở còn làm ảnh hưởng đến khoảng 15 hộ dân trong khu vực, trong đó có 5 hộ bị uy hiếp nghiêm trọng khiến nhà cửa, tài sản có thể bị vùi lấp bất cứ lúc nào.
Cùng ngày, tại thôn 14 (xã Đam B’ri), mưa lớn đã gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng bờ taluy của một hộ dân. Vụ sạt lở kéo theo hơn 40 mét đường vận hành D1 thuộc Nhà máy Thủy điện Đam B’ri bị sụt lún, chia cắt. Vụ sụt lún cũng khiến 1 trụ điện đường dây vận hành của Nhà máy Thủy điện Đam B’ri bị nghiêng và làm hệ thống cáp quang bị đứt.
Đánh giá về nguyên nhân sạt lở đất diễn ra tại nhiều địa phương trong đó có Lâm Đồng, các chuyên gia về phòng, chống thiên tai cho rằng do mưa lớn, nước làm phân rã tạm thời các mối liên kết của đất đá, rễ cây, thảm thực vật, hoặc nước ngầm.
Mặt khác do xây dựng nhiều công trình, khi có mưa lớn xảy ra một cách cực đoan, nước không có chỗ thấm, thoát dần ở vùng cao mà đổ dồn xuống vùng thấp.
Hiện nay, đa số các vụ sạt lở đất là do con người khai thác rừng quá mức và xây dựng các công trình dân sinh dưới chân núi.
Bên cạnh đó, các công trình nhân tạo cũng có thể tác động tới tình trạng sạt lở đất một cách gián tiếp, thông qua việc ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu, tình trạng mất cân bằng của tự nhiên.
Theo Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, thời gian qua, Lâm Đồng mưa rất nhiều, đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở. Sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù ban ngày hay ban đêm.
[Tìm thấy hai nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở đất ở Đà Lạt]
Nếu sạt lở đất xảy ra ban ngày, người dân quan sát được, có đủ thời gian ứng phó kịp thời thì thiệt hại sẽ giảm. Còn sạt lở vào ban đêm, không quan sát được và đây là thời điểm người dân đang ngủ, không có sự đề phòng thì thiệt hại thường rất lớn.
Để tăng cường chất lượng bản tin cảnh báo sạt lở đất, bước đầu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia có các giải pháp tăng cường độ phân giải trong bản đồ dự báo mưa định lượng lên 1-3km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, radar, mô hình số.
Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét được xử lý kết hợp bổ sung các lớp thông tin về nguy cơ sạt lở đất kết hợp với phân ngưỡng mưa để tạo ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực.
Mức cảnh báo nguy cơ từ cao đến rất cao, chi tiết theo địa danh hành chính được hiển thị theo phổ màu khác nhau trên bản đồ kèm bảng biểu địa danh khu vực để các cấp quản lý, cơ quan chỉ đạo về phòng, chống thiên tai có thể nắm bắt nhanh chóng, trực quan khu vực được cảnh báo.
Tổng cục Khí tượng thủy văn sẽ tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất thông qua việc áp dụng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi; xác định ngưỡng mưa gây sạt lở cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét...; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất./.