Tạp chí National Interest trích dẫn lời Giáo sư Đại Học George Washington của Mỹ Amitai Etzioni ngày 12/10 cho rằng Mỹ cần tìm kiếm một cuộc "mặc cả" lớn với Trung Quốc để khiến Bắc Kinh cam kết sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo Yonhap, trong một bài viết được đăng tải ở tạp chí trên, Giáo sư Amitai Etzioni nhấn mạnh rằng "mối đe dọa lớn nhất" đối với an ninh của Mỹ mà tân Tổng thống Mỹ sẽ phải đương đầu chính là Triều Tiên.
Theo vị giáo sư này, những nỗ lực nhằm "thúc giục" hoặc "làm mất mặt" Trung Quốc liên quan đến hành động của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng sẽ không hiệu quả.
Thay vào đó, Trung Quốc cần được "mặc cả" về một thỏa thuận dựa trên "sự nổi trội khác biệt," nghĩa là mỗi bên cần đạt được điều gì là quan trọng cho lợi ích quốc gia của mình từ phía bên kia bằng việc từ bỏ những gì ít quan trọng hơn.
Giáo sư giải thích: "Trung Quốc có thể có mối quan tâm lớn về việc đạt được sự đảm bảo rằng nếu chế độ Triều Tiên sụp đổ và 2 miền Triều Tiên thống nhất, thì Mỹ sẽ không điều động binh sĩ của nước này đến khu vực biên giới với Trung Quốc. Đây là một đề xuất không mất chi phí hoặc chi phí thấp đối với Mỹ, vì một khi chương trình hạt nhân của Triều Tiên chấm dứt hoặc chế độ sụp đổ, thì Mỹ nên toại nguyện để không đưa binh sĩ của mình đến Triều Tiên."
Ngoài ra, ông Amitai Etzioni cũng cho rằng Mỹ có thể đề xuất việc sẽ không triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc nếu chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng không còn là mối đe dọa nghiêm trọng nữa. Bên cạnh đó, Mỹ thậm chí cũng có thể đề xuất việc ngừng các chuyến bay do thám được tiến hành hầu như hàng ngày dọc theo đường duyên hải của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh cảm thấy bất an.
Theo bài viết, Trung Quốc là đồng minh chính duy nhất còn lại của Triều Tiên đồng thời là nhà cung cấp lương thực và nhiên liệu chủ chốt cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tỏ ra do dự khi sử dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng do lo ngại rằng một sự thúc ép quá cứng rắn lên Bình Nhưỡng có thể gây nên sự bất ổn ở Triều Tiên đồng thời gây tổn hại đến những lợi ích quốc gia của Trung Quốc./.