Theo Sputnik, trang Real Clear Defense dẫn ý kiến của các chuyên gia Bishop Garrison và Preston Lann từ Trung tâm chính sách công Joseph Rainey của Mỹ, cho biết đến nay, Mỹ vẫn chưa có hệ thống phòng thủ tên lửa nào đủ sức đẩy lùi vũ khí siêu thanh của Nga.
Theo các chuyên gia, Lầu Năm Góc tập trung phát triển vũ khí tấn công, trong khi không dành đủ sự chú ý cho năng lực phòng thủ.
Theo quan điểm của họ, chương trình vũ khí siêu thanh ở Mỹ "khổ sở vì sự thay đổi," tổng cộng chỉ 6% ngân sách dành cho phòng thủ. Sở dĩ như vậy là bởi các hệ thống tấn công rẻ tiền hơn và phát triển bớt phức tạp hơn.
Bài viết của các chuyên gia có đoạn: "Dù vũ khí tấn công ít tốn kém hơn, nhưng sự hiện diện của chúng không thay thế được nhu cầu phòng thủ mạnh và vào thời điểm hiện tại thì Mỹ không có khả năng đó."
[Tìm hiểu sự thật khó tin về những 'vũ khí kỳ diệu' của Nga]
Theo các chuyên gia, việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khiến Mỹ rơi vào tình thế khá nguy hiểm, vì các đối thủ giờ đây có thể "ra đòn trước hoặc tấn công phủ đầu vào những hệ thống cung cấp vũ khí hạt nhân."
Thực tế địa chính trị biến đổi nhanh chóng càng làm nổi bật những rủi ro phát sinh từ việc Mỹ thiếu vắng khả năng bảo vệ khả thi trước vũ khí siêu thanh. Nếu phân bổ lại kinh phí của Lầu Năm Góc có thể giúp giải quyết vấn đề về hệ thống phòng thủ siêu thanh.
Nhưng điều quan trọng là chính quyền Mỹ phải giám sát chặt chi tiêu từ ngân sách quốc phòng, bởi quân đội Mỹ "nổi tiếng với hoạt động vung hàng tỷ USD vào hệ thống phòng thủ chống tên lửa mà không có kết quả hoàn vốn tương ứng."
Mỹ gần đây đã ráo riết chế tạo tên lửa siêu thanh. Chẳng hạn, năm 2018, quân đội Mỹ bắt đầu phát triển tên lửa ARRW lớp "không đối đất."
Cùng với đó, người Mỹ đang chế tạo tên lửa siêu thanh HCSW tầm xa dành cho không quân. Tổng cộng, các dự án ARRW và HCSW dự kiến tiêu tốn ngân sách Mỹ gần 1,5 tỷ USD./.