Theo Yonhap, một chuyên gia Mỹ mới đây cho rằng việc chế tạo đầu đạn hạt nhân và một thiết bị đủ bền có khả năng chịu được nhiệt độ khắc nghiệt khi tên lửa trở lại bầu khí quyển là vấn đề tồn đọng lớn cuối cùng mà Triều Tiên phải đối mặt trong việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân.
Jeffrey Lewis, chuyên gia hàng đầu về tên lửa Triều Tiên nhận định trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Affairs rằng loại tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên phóng thử hồi tháng trước cho thấy đầu đạn của nó phải chịu một lượng nhiệt lớn tương đương của một ICBM và đã tồn tại được.
["Triều Tiên có thể vươn tới Mỹ bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa"]
Theo ông Lewis, việc làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn và công nghệ đưa tên lửa trở lại khí quyển từ lâu đã được coi là 2 thách thức chính mà Bình Nhưỡng phải vượt qua nếu muốn phát triển một ICBM mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công lục địa Mỹ.
Ông Lewis nói: "Triều Tiên gần như chắc chắn có một đầu đạn hạt nhân có thể phù hợp với một ICBM trong tương lai. Vấn đề lớn hiện nay không phải là liệu đầu đạn này có đủ nhỏ để gắn vào ICBM hay không, mà là liệu nó có thể tồn tại sau những chấn động, rung lắc và nhiệt độ khắc nghiệt mà đầu đạn hạt nhân sẽ phải trải qua trong một hành trình liên lục địa - trong đó nó được bắn vào không gian và sau đó trở lại khí quyển Trái Đất."
Trong khi đó, Troy Stangarone, giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề Quốc hội tại Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành thử tên lửa sau mỗi 2,1 tuần, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các vụ phóng với tần suất mà họ đã thực hiện trong năm 2017./.