Chiều 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trong đó, vấn đề giảm nghèo theo chuẩn mới được khá nhiều đại biểu quan tâm.
Bên lề kỳ họp, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.
- Thưa Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, xin ông cho biết ý nghĩa của việc chuyển đổi từ chuẩn nghèo đơn chiều sang đa chiều được áp dụng từ năm 2016?
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng: Theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, từ năm 2016 chúng ta sẽ chuyển chuẩn nghèo đơn chiều sang chuẩn nghèo đa chiều. Điều này có ba ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất, chúng ta sẽ tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều. Từ đó, việc giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững hơn bởi nghèo không chỉ đơn thuần về vấn đề thu nhập, mà còn là khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin…
Thứ hai, chúng ta phải giảm nghèo đến một kết quả nhất định thì mới có điều kiện để chuyển sang giảm nghèo đa chiều. Nếu không có kết quả thực tế và tỷ lệ nghèo của Việt Nam không được giảm theo đúng mục tiêu kế hoạch từng năm hoặc cả giai đoạn như vừa rồi thì dù có muốn cũng không thể chuyển sang chuẩn nghèo đa chiều được.
Thứ ba, việc này sẽ tiếp cận với xu hướng chung của thế giới, nhất là trong bối cảnh Liên hợp quốc đã thay thế chương trình mục tiêu thiên niên kỷ bằng chương trình phát triển bền vững.
Tôi cho rằng việc thay đổi chuẩn nghèo nói trên là một sự chuyển hướng chiến lược quan trọng trong việc giảm nghèo.
- Thực tế cho thấy, việc thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn vừa qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông, chuẩn nghèo mới có khắc phục được những hạn chế trước đó hay không?
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng: Ở giai đoạn trước đây, chúng ta áp dụng chuẩn nghèo đơn chiều, nhưng bản thân chính sách của chúng ta đã là đa chiều. Bằng chứng là chúng ta không chỉ hỗ trợ bù các phần thu nhập còn thiếu theo chuẩn như hỗ trợ tiền điện, học phí, bảo hiểm y tế… mà còn hướng chính sách đến chuẩn đa chiều theo góc độ chăm lo tới chăm sóc sức khỏe, việc học hành, nhà ở và các điều kiện sống khác.
Và, đặc biệt chính sách cũng chú ý đến hỗ trợ kinh kế để người nghèo có thể bằng lao động, điều kiện của mình vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, do cách tính của chúng ta theo chuẩn đơn chiều cho nên nhiều khi tỷ lệ hộ nghèo không phản ánh hết thực tế. Bên cạnh đó, do là chuẩn nghèo đơn chiều nên các giải pháp để hỗ trợ thoát nghèo chưa thực sự đi theo nguyên nhân nghèo. Tôi lấy ví dụ như người thiếu lao động thì hỗ trợ giảm nghèo phải khác người thiếu kiến thức nghề, năng lực chuyên môn…
Vì thế, chúng tôi cho rằng việc chuyển chính sách giảm nghèo từ đơn chiều sang đa chiều sẽ từng bước khắc phục được những hạn chế của thời kỳ trước như dàn trải, manh mún, thiếu hiệu quả.
- Có ý kiến cho rằng ở một số địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách giảm nghèo. Vậy, chuẩn nghèo mới khắc phục vấn đề này ra sao, thưa ông?
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng: Tôi cho rằng hiện tượng tư tưởng trông chờ ỷ lại là có, nhưng nếu nói là ở bộ phận đa số thì không đúng. Đa số người lao động của chúng ta vẫn mong muốn, khát khao được lao động, có thu nhập chính đáng và thực tế tỷ lệ giảm nghèo cùa chúng ta vừa rồi dựa vào nguồn lực của bản thân họ là chính, còn các nguồn lực khác chỉ có tính chất hỗ trợ mà thôi.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực nhà nước, chính sách. Việc này không chỉ trong tâm lý người dân mà còn cả trong cán bộ. Có những cán bộ xã, huyện vẫn mong muốn xã mình ở dạng nghèo để được ưu đãi cao hơn…
Tôi nghĩ chính sách tới đây, chúng ta xác định tăng cường vốn đầu tư nhưng phải giảm dần việc cho không, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện như hỗ trợ cách thức, nguồn lực cần thiết để đảm bảo người nghèo được tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm.
Chúng ta tăng cường nguồn lực nhưng tập trung vào hạ tầng, vào phát triển giáo dục, y tế từng vùng... Có như vậy mới giảm tình trạng trông chờ vào chính sách.
- Xin cảm ơn ông!