Cơ chế, chính sách nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo

Hội thảo bàn về cơ chế, chính sách nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa gạo, tổ chức ngày 8/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 8/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo bàn về cơ chế, chính sách nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa gạo nhằm lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và địa phương cho Dự thảo Quyết định về các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với sản xuất lúa gạo.

Theo dự thảo được đưa ra, mức hỗ trợ cho các hộ nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn sẽ là 5 triệu đồng/ha.

Điều kiện để được hỗ trợ là các hộ nông dân tự nguyện góp ruộng hình thành cánh đồng lúa có diện tích lớn, được quản lý dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã theo quy mô từ 50ha trở lên đối với Đồng bằng sông Cửu Long, 30ha đối với Đồng bằng sông Hồng và 20ha đối với các vùng còn lại.

Bên cạnh đó, hộ nông dân đầu tư lò sấy, kho chứa lúa quy mô nhỏ dưới 10 tấn/kho dự trữ tại gia được vay 70% vốn đầu tư với lãi suất 0% trong vòng ba năm. Các doanh nghiệp tham gia cánh đồng mẫu thông qua các dự án liên kết với nông dân, hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao cũng được nhiều ưu đãi như miễn tiền thuê đất khi xây kho lúa, hỗ trợ lãi suất vay mua máy móc, trang thiết bị, hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư lò sấy hiện đại…

Góp ý cho Dự thảo, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp khá ủng hộ trước những ưu đãi hấp dẫn này, tuy nhiên hầu hết đều băn khoăn liệu có thực thi được không.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng Hồ Quang Cua cho biết trước đây những chính sách cho nông nghiệp, đặc biệt là với cánh đồng mẫu lớn đã có như hỗ trợ sau thu hoạch, hỗ trợ lãi suất vay đầu tư lò sấy,… nhưng tỉnh hoàn toàn không tiếp nhận được đồng nào từ Trung ương.

Ông Hồ Quang Cua lo ngại, khi mức hỗ trợ cao hơn trước nhiều liệu Bộ Tài chính có đáp ứng được cho nông dân và doanh nghiệp không…

Về phía các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu lương thực, nhiều đơn vị cho biết hiện có tình trạng doanh nghiệp không mặn mà với cánh đồng mẫu lớn. Nguyên nhân là do hạn hẹp về tài chính, việc vay vốn kinh doanh đã khó khăn, nếu đầu tư vật tư nông nghiệp như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… vào trong việc làm cánh đồng mẫu lớn với lãi suất 0% thì các doanh nghiệp sẽ không chịu nổi.

Để giải đáp những lo ngại của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết việc đầu tư cho cánh đồng mẫu lớn phải có doanh nghiệp giống, vật tư nông nghiệp riêng, doanh nghiệp thương mại nông sản sẽ chỉ là đơn vị đặt hàng với những tiêu chuẩn cụ thể và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối khẳng định rằng cánh đồng mẫu lớn là hướng phát triển tất yếu, nên về lâu về dài sẽ đưa thành điều kiện có tính pháp lý bắt buộc doanh nghiệp và nông dân phải tham gia. Với chính sách mới, các doanh nghiệp và nông dân nên tận dụng các ưu đãi của nhà nước để đầu tư, tham gia vào mô hình sản xuất này./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục