Cơ chế mới của biến đổi tế bào ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy có quan hệ với đột biến gen RAS và lượng lớn các tín hiệu phân tử được truyền theo một dạng tín hiệu “hedgehog.”
Viện y học Karolinska của Thụy Điển hôm 31/5 cho biết, họ đã phát hiện được cơ chế mới của sự biến đổi tế bào ung thư tuyến tụy.

Phát hiện trên có ý nghĩa quan trọng giúp chẩn đoán sớm ung thư tuyến tụy.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu hiện có, ung thư tuyến tụy có mối quan hệ với sự biến đổi kết cấu của hai tế bào đặc biệt. Sự đột biến gen RAS dẫn đến ung thư và lượng lớn các tín hiệu phân tử được truyền theo một dạng tín hiệu “hedgehog.”

Sau khi tiến hành thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học đã phát hiện cơ chế tương tác giữa gen RAS và sự truyền tín hiệu dạng “hedgehog.” Khi gen RAS được kích hoạt, tế bào khối u sẽ tiết ra chất SHH, chất này sẽ kích thích hoạt động truyền tín hiệu dạng “hedgehog,” đồng thời ngăn chặn phản ứng của tế bào khối u đối với dạng tín hiệu này.

Toàn bộ quá trình trên được phân làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, dưới sự kích hoạt của tín hiệu dạng “hedgehog,” các tế bào xung quanh tế bào khối u sẽ sinh trưởng với tốc độ nhanh, trong khi đó dưới sự bảo vệ của chất SHH, tế bào khối u lại ở trạng thái an toàn.

Giai đoạn thứ hai, khi chất SHH mất tác dụng, tế bào khối u dưới sự kích hoạt của tín hiệu dạng “hedgehog” sẽ đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng, khối u bắt đầu dần dần phát triển và hình thành ung thư.

Kết quả nghiên cứu trên đã được đăng trên Tạp chí “Tự nhiên-kết cấu và phân tử sinh vật học” số ra mới nhất./.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục