Cơ chế mới giúp truyền tải thông tin trong sinh vật

Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện miRNA có chức năng truyền thông tin mạnh mẽ và hiệu quả cao hơn so với các protein tín hiệu.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) vừa phát hiện miRNA có chức năng truyền tải thông tin mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao hơn so với các protein tín hiệu như hormones truyền thống và cytokine.

Tức là miRNA được một tế bào tiết ra, có thể được vận chuyển tới một tế bào thụ thể khác thông qua đường máu. Hơn nữa nó có thể thực hiện điều tiết chức năng của tế bào thụ thể thông qua việc giảm bớt sự “phiên dịch” của các gen mục tiêu tương ứng.

Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng giúp con người tìm hiểu sâu hơn quy luật bản chất truyền tải thông tin trong hệ thống sinh vật, giải mã cơ chế mới của sự phát sinh phát triển bệnh tật, đồng thời đưa ra các sách lược và phương pháp điều trị mới.

miRNA là một loại RNA nhỏ không mã hóa được sản sinh tự nhiên trong tế bào động thực vật. Trước đó, giới khoa học luôn cho rằng, miRNA là một loại phân tử rất thích “ở vậy,” tức là cả đời chỉ hoạt động trong tế bào.

Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Đại học Nam Kinh đứng đầu là giáo sư Trương Chấn Vũ khi tiến hành nghiên cứu một loại RNA nhỏ với phiên mã là miRNA150 đã phát hiện, tế bào monocytes/đại thực bào trong hệ miễn dịch sau khi bị một số kích thích nào đó sẽ gia tăng việc tạo ra miRNA150, đồng thời giải phóng vào trong sự tuần hoàn máu, và đi vào tế bào nội bì theo đường máu, kích thích sự di chuyển của tế bào nội bì.

Phương thức truyền tải tín hiệu truyền thống giữa các tế bào thường là theo hình thức hormone/cytokine - thụ thể và kháng nguyên - kháng thể và thông thường phát sinh trong một chủng loại tế bào đặc định, hơn nữa chỉ có một hoặc vài phân tử trực tiếp tác dụng. Do đó, phương thức thông tin này được gọi là “thông tin đơn.”

Trong khi đó tất cả loại hình tế bào đều có khả năng tiết và tiếp nhận miRNA, hơn nữa trong điều kiện sinh lý và bệnh lý, tế bào có thể tiết ra một lần nhiều chủng loại miRNA, vì thế phương thức truyền tín hiệu của miRNA được gọi là “thông tin kép” hoặc “thông tin đa chiều.”

Giáo sư Trương cho biết, hiện tại vẫn chưa thể nắm bắt rõ cơ chế phát bệnh tiểu đường và bệnh lupus, vì thế để phòng chống căn bệnh này, trong tương lai có thể thông qua việc cắt đứt đường truyền tín hiệu giữa các tế bào./.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục