Cô giáo miệt mài “cõng chữ” về với vùng ngập lũ

Hai mươi mốt năm ròng, cô Thiều Thị Hiếu vẫn miệt mài giảng dạy ở ngôi trường nằm sâu trong vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền.
Hai mươi mốt năm rồi, mỗi ngày như mọi ngày (trừ những ngày nghỉ), cô Thiều Thị Hiếu dậy từ lúc tinh mơ chuẩn bị giáo án, tài liệu rồi đạp xe đến trường, lên lớp giảng dạy. Hôm nào dạy một buổi thì sau buổi trưa cô về nhà. Hôm nào đứng lớp 2 buổi thì phải tối mịt mới về tới nhà.

Trường Trung học cơ sở Mỹ Thành Nam 2 - nơi cô dạy, cách nhà gần 20km, là ngôi trường nằm sâu trong vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cô kể, những năm 90, miệt Ngã Năm, tên gọi khác của xã Mỹ Thành Nam còn hết sức khó khăn. Đường sá giao thông chưa phát triển, tiện ích hạ tầng chưa hoàn thiện, bà con sống chủ yếu nhờ nghề nông, hàng năm thường xuyên bị lũ lụt tàn phá nên rất vất vả, gieo neo. Nhiều nhà chạy ăn còn chưa đủ làm sao có điều kiện đưa con đến trường học chữ.

Cô sinh viên Khoa Sinh-Kỹ thuật Thiều Thị Hiếu tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang năm 1990, về nhận nhiệm sở tại Trường Trung học cơ sở Mỹ Thành Nam 2. Còn nhớ, trong những năm đó, cơ sở vật chất của trường rất eo hẹp, phòng ốc xuống cấp, giáo viên và học sinh tại chỗ dạy và học đã gian nan thì những thầy cô giáo nơi xa về đây công tác như cô Hiếu càng “thiên nan vạn nan” hơn.

Mùa nắng, đường đến trường bụi mù mịt, nắng như đổ lửa thiêu. Mùa mưa lũ nước tràn trề nhấn chìm đồng ruộng, vườn tược, nhà cửa nhân dân. Kinh hồn nhất là trận lũ lịch sử năm 2000, nước ngập cao cả mét, toàn trường phải tạm nghỉ học một thời gian để cùng chung sức với bà con lo chống lũ, gặt lúa và di dời nhà cửa chạy lũ....

Khó khăn như thế nhưng không dập tắt được nhiệt huyết của một cô giáo trẻ năng động, giàu năng lực và nhiệt tâm vượt qua những thách thức trong đời sống để truyền thụ kiến thức, mở mang văn hóa, đưa chữ đến tận những địa bàn nông thôn vùng lũ hẻo lánh, giúp cho con em nông dân tại đây nắm bắt và làm chủ kiến thức, tạo điều kiện để các cháu vào đời, lập thân lập nghiệp sau này trở thành người hữu ích cho quốc gia, dân tộc.

Cô Hiếu cho biết, hồi mới ra trường về vùng sâu nhiều bỡ ngỡ. Nhưng với sức trẻ, nhiệt tâm công việc và cháy bỏng những cống hiến nên chẳng mấy chốc cô nhanh chóng nhập cuộc, vận dụng tốt những kiến thức được học khi còn ngồi ghế nhà trường sư phạm, học hỏi qua đồng nghiệp đi trước kết hợp với thực tiễn công tác, mỗi ngày cô quen dần công việc, tiến đến nâng cao kỹ năng giảng dạy và đúc kết được nhiều kinh nghiệm để mỗi ngày giảng dạy mỗi hay hơn, hấp dẫn học sinh và hiệu quả đào tạo càng cao lên qua từng năm công tác.

Thầy Huỳnh Văn Chẳng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mỹ Thành Nam 2 cho biết, ở trường, cô Hiếu được đánh giá cao về năng lực sư phạm, tay nghề cũng như sự nhiệt tâm với trường, luôn hoàn thành mọi công tác được giao với hiệu suất cao nhất. Trong suốt 21 năm qua, cô luôn tỏa sáng tấm gương người giáo viên nhân dân hết lòng vì đàn em thân yêu, tích cực và sáng tạo trong việc soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, kết hợp giữa học và thực hành, phụ đạo học sinh yếu kém, hướng dẫn học sinh giỏi kỹ năng giải đề thi môn sinh trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Đặc biệt, cô rất “mát tay” trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh. Năm nào cô cũng có học trò tham gia đội tuyển học sinh giỏi của trường, học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh, đạt các giải cao.

Cô Thiều Thị Hiếu tâm sự rằng không có niềm vui nào bằng niềm vui thấy hiệu quả công việc mang lại, thấy học trò mình đào tạo xứng đáng giành những vòng nguyệt quế nhờ nỗ lực vượt khó để học tập và học tập tốt. Như con tằm miệt mài rút ruột nhả tơ, hai mươi mốt năm qua, cô giáo Thiều Thị Hiếu không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà còn làm giàu thêm thành tích cho Trường Trung học cơ sở Mỹ Thành Nam 2 - ngôi trường nông thôn sâu đang khởi sắc từng ngày về mọi mặt, vươn lên dành danh hiệu trường Tiên tiến xuất sắc nhiều năm liền.

Còn thầy Ngô Minh Chung, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Cai Lậy đánh giá cao cô Thiều Thị Hiếu và biểu dương cô là một trong những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa giáo dục của huyện. Cô đã góp công sức rất lớn trong sự nghiệp “khuyến học, khuyến tài” tại địa bàn nông thôn sâu xa xã Mỹ Thành Nam vốn chịu đựng hậu quả nặng nề qua hai cuộc chiến tranh cũng như thiên tai lũ lụt hàng năm./.

Minh Trí (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục