Cơ hội sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung Thu cho trẻ em

Gần 300 em nhỏ được thể hiện tình yêu với những chiếc mặt nạ truyền thống trong dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung Thu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Cơ hội sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung Thu cho trẻ em ảnh 1(Nguồn: TTXVN)

Gần 300 em nhỏ được thể hiện tình yêu với những chiếc mặt nạ truyền thống trong dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung Thu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) ngày 13/9.

Dự án do nhóm giảng viên và sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhằm khơi dậy tình yêu với văn hóa truyền thống; nâng cao tinh thần người Việt dùng hàng Việt; đồng thời tạo cho trẻ em có một sân chơi lành mạnh và giúp các em hình thành thói quen làm việc theo nhóm.

Tham gia dự án, các em sẽ được học cách bồi mặt nạ, cách sử dụng bút lông, lấy màu… Bên cạnh đó, các bạn nhỏ còn được học cách phân biệt mặt nạ truyền thống của Việt Nam với mặt nạ của các quốc gia khác; được tìm hiểu về các loại mặt nạ sử dụng trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Ngoài việc tạo ra một sân chơi lành mạnh, hướng dẫn các em nhỏ tự tay sáng tạo những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi theo nhóm, dự án còn có một buổi trò chuyện xung quanh chiếc mặt nạ lý thú với các chủ đề phong phú, giúp gợi mở trí tượng tượng cho các em nhỏ.

Trong khuôn khổ dự án, 20 tác phẩm mặt nạ do các họa sỹ tên tuổi và các họa sỹ trẻ sáng tạo sẽ được triển lãm trong không gian Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, 20 tác phẩm này sẽ được bán gây quỹ xây dựng trường, lập tủ sách ở Trường Tiểu học Suối Bau (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La).

Tiến sỹ Trang Thanh Hiền, đại diện nhóm giảng viên và sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết trong số các loại hình đồ chơi Trung Thu, mặt nạ giấy bồi là loại hình lâu công nhất. Xa xưa, việc làm mặt nạ hay các đồ chơi dân gian thường được ông bà, bố mẹ làm cho trẻ nhỏ. Sau này, việc làm đó không còn duy trì ở từng gia đình mà được chuyên môn hóa. Các nghệ nhân đến mùa trăng sẽ làm hàng loạt mặt nạ với nhiều khuôn dáng khác nhau rồi đem bán.

Để làm nên một chiếc mặt nạ bồi chơi Trung Thu, có khá nhiều các công đoạn khác nhau, chỉ có các nghệ nhân nắm giữ bí quyết và trao truyền. Trò chơi sáng tạo mặt nạ Việt của dự án lần này hy vọng sẽ nhận được sự yêu mến, tham gia của các em thiếu nhi cũng như cả cộng đồng, tiến sỹ chia sẻ.

Cũng theo tiến sỹ Trang Thanh Hiền, sau khi kết thúc các hoạt động tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, dự án sẽ tiếp tục triển khai tại một số trường học, trung tâm văn hóa… ở một số tỉnh, thành phố để thu hút sự quan tâm của cộng đồng trước dịp Tết Trung Thu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục