Nằm nép mình dưới những bóng cây xanh, nhà vệ sinh công cộng của công viên Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội có vẻ ngoài khá bắt mắt, xinh đẹp với nhiều hình vẽ, trang trí sinh động bên ngoài.
Thế nhưng, lớp áo nghệ thuật khoác lên vẫn không thể nào che khuất được sự xuống cấp, hỏng hóc bên trong. Dù có công nhân vệ sinh lau dọn từ 2 - 3 lần một ngày, tuy nhiên sự “tàn tạ” của cơ sở vật chất vẫn tạo nên nỗi ám ảnh cho người dân khi sử dụng nhà vệ sinh này.
[Hà Nội: Rào cản trong xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng]
Đó cũng là tình trạng chung của nhiều nhà vệ sinh công cộng khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thiếu điện, thiếu nước, thiếu cả những đồ dùng tối thiểu như giấy vệ sinh, xà phòng, khiến người dân chỉ dùng nhà vệ sinh công cộng khi “bất đắc dĩ”.
Bên cạnh đó, nhà vệ sinh công cộng còn trở thành nơi để xe, tập kết hàng hoá, tạo nên khung cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu và mất vệ sinh.
Thậm chí, khi phóng viên Báo điện tử VietnamPlus tiếp cận một nhà vệ sinh trong tình trạng khóa kín cửa trên đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy còn gặp sự ngăn cản của một người phụ nữ tự xưng là quản lý của nhà vệ sinh này.
Là một đô thị với hơn 8 triệu dân nhưng hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có khoảng hơn 400 nhà vệ sinh công cộng. Bên cạnh việc thiếu hụt về số lượng, chất lượng dịch vụ của nhiều nhà vệ sinh công cộng đang ở mức báo động. Theo nhiều người dân, để cải thiện chất lượng nhà vệ sinh công cộng, ngoài trách nhiệm của đơn vị quản lý thì còn phụ thuộc vào ý thức của người sử dụng./.