Cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ ở Mỹ đang giảm giá mạnh

Việc xuất hiện hàng loạt thông tin về giá cổ phiếu ngân hàng giảm khiến người gửi tiền hoảng sợ và làm đảo lộn năng lực hoạt động bình thường của các ngân hàng này.
Cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ ở Mỹ đang giảm giá mạnh ảnh 1Trụ sở Ngân hàng PacWest Bancorp tại Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: GC/TTXVN)

Theo báo The New York Times, một nhóm ngân hàng nhỏ của Mỹ đang nỗ lực thuyết phục công chúng rằng tình hình tài chính của họ vẫn lành mạnh bất chấp giá trị cổ phiếu của họ giảm mạnh.

PacWest và Western Alliance là hai ngân hàng nằm trong tâm bão, khi cổ phiếu của họ giảm lần lượt là 50% và 38% trong ngày 4/5.

Giá trị cổ phiếu các ngân hàng hạng trung khác của Mỹ, bao gồm Zions và Comerica, cũng giảm ở mức 2 con số về tỷ lệ phần trăm.

[Lượng tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ ở Mỹ giảm kỷ lục sau vụ SVB]

Quá trình khủng hoảng của ngành ngân hàng tại Mỹ bắt đầu diễn ra cách đây 2 tháng, với sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature (Signature Bank), sau đó là việc Chính phủ Mỹ tiếp quản và bán Ngân hàng First Republic (FRB) vào ngày 1/5.

Trong những vụ phá sản trước đây, các ngân hàng phải đối mặt với tình trạng khách hàng đổ xô đi rút tiền gửi.

Tuy nhiên, các ngân hàng đang gặp khó khăn hiện tại đều báo cáo có lượng tiền gửi ổn định và không có quá nhiều các khoản nợ xấu.

Thông báo của PacWest ngày 4/5 cho thấy ngân hàng này không phát hiện thấy dòng tiền gửi “bất thường” từ khi FRB sụp đổ, với mức tiền gửi là 28 tỷ USD vào hôm 3/5, giảm nhẹ so với cuối tháng 4.

Dữ liệu cập nhập của Western Alliance vào ngày 3/5 cũng cho kết quả tương tự, thậm chí lượng tiền gửi vào ngân hàng này tăng 1,2 tỷ USD so với cuối tháng 3.

Các nhà phân tích cho biết mối đe dọa trực tiếp nhất mà các ngân hàng nhỏ phải đối mặt là khủng hoảng niềm tin của dân chúng.

Việc xuất hiện hàng loạt thông tin về giá cổ phiếu ngân hàng giảm khiến người gửi tiền hoảng sợ và làm đảo lộn năng lực hoạt động bình thường của các ngân hàng này.

Sau khi SVB sụp đổ, người gửi tiền tại Mỹ đã bắt đầu thể hiện tâm lý lo lắng đối với các khoản tiền gửi.

Theo kết quả thăm dò của hãng Gallup thực hiện vào cuối tháng 4, có đến 48% người trưởng thành ở Mỹ thể hiện lo lắng đối với khoản tiền họ gửi tại các tổ chức tài chính.

Mặt khác, tình trạng hỗn loạn của giá cổ phiếu ngân hàng cũng làm dấy những hoài nghi về sự can thiệp của những người bán khống - những nhà đầu tư đặt cược vào việc giá cổ phiếu giảm - gây ra biến động thị trường.

Theo ước tính của tổ chức phân tích số liệu S3 Partners, những người bán khống đã kiếm được gần 7 tỷ USD trong năm nay khi đặt cược vào cổ phiếu các ngân hàng nhỏ và có thể sử dụng khoản lợi nhuận này quay vòng đầu tư.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 4/5 cho biết Chính quyền Mỹ đang theo dõi chặt chẽ thị trường, “bao gồm cả áp lực bán khống đối với các ngân hàng lành mạnh.”

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler khẳng định cơ quan này sẽ tập trung phát hiện và truy tố bất kỳ hành vi sai trái nào có thể đe dọa các nhà đầu tư, việc huy động vốn và rộng hơn là toàn bộ thị trường chứng khoán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục