Các cơ quan chức năng Mỹ đã chấp thuận thương vụ sáp nhập giữa Sprint và T-Mobile, hai "ông trùm" trong ngành viễn thông Mỹ, có trị giá 26,5 tỷ USD, bất chấp những lo ngại giá dịch vụ tăng cao hơn và việc làm cắt giảm.
Động thái này sẽ khiến nước Mỹ chỉ còn lại ba tập đoàn viễn thông di động lớn.
Sự chấp thuận hôm 26/7 của Bộ Tư pháp và năm tổng chưởng lý được đưa ra sau khi Sprint và T-Mobile đồng ý với điều kiện sẽ thiết lập nhà cung cấp truyền hình vệ tinh Dish như một đối thủ nhỏ hơn đối với Verizon, AT&T và công ty sáp nhập giữa T-Mobile-Sprint.
Tuy nhiên, tổng chưởng lý từ các bang khác và một số luật sư cho rằng Dish hầu rất khó để thay thế Sprint như một công ty độc lập và việc thiết lập Dish không thể giải quyết được vấn đề về cạnh tranh khi giá dịch vụ cao hơn, người lao động mất việc làm và người tiêu dùng ít lựa chọn hơn.
[Thương vụ bạc tỷ giữa Sprint và T-Mobile đứng trước nguy cơ đổ bể]
Vụ sáp nhập trên vẫn phải chờ sự phê duyệt của một một thẩm phán liên bang. Dù vậy, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) dự kiến cũng sẽ ủng hộ thỏa thuận này.
Hồi tháng Năm vừa qua, Chủ tịch FCC Ajit Pai đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch sáp nhập của T-Mobile và Sprint.
Theo ông Pai, cả T-Mobile và Sprint đều cam kết với FCC rằng sẽ cung cấp mạng 5G cho 99% người Mỹ trong sáu năm hoàn tất thỏa thuận, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận băng thông rộng cho người tiêu dùng. Hai công ty cũng nhất trí không tăng cước viễn thông trong ba năm.
T-Mobile và Sprint, hai nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây lớn thứ ba và thứ tư của Mỹ, sở hữu tổng cộng khoảng 130 triệu thuê bao.
Việc sáp nhập sẽ tạo ra công ty dưới tên gọi T-Mobile nhằm cạnh tranh với hai nhà mạng hàng đầu của Mỹ là Verizon và AT&T./.