Cổ Thư Lâu: "Đại mộng cổ văn" của những dịch giả tay ngang

Cổ Thư Lâu: "Đại mộng cổ văn" của những dịch giả tay ngang

Nhóm Cổ Thư Lâu tập hợp những người yêu cổ sử, trong đó có những dịch giả tay ngang, nhưng đã và đang hoàn thành những công việc đồ sộ, chuyển ngữ nhiều tác phẩm có giá trị.

Nhóm Cổ Thư Lâu là một tập hợp của những người đam mê lịch sử, ôm mộng chuyển ngữ được các bộ sử lớn của Trung Quốc - vốn vẫn là mảnh đất hoang vu, chưa được khai thác bởi độ khó cao. Mục đích để độc giả Việt Nam hiểu kỹ hơn tâm thuật lịch sử của quốc gia láng giềng Trung Quốc, từ đó làm căn cứ đối chiếu với từng giai đoạn lịch sử nước nhà.

Họ là nhà báo, cây bút thể thao, biên tập viên nhà sách, kỹ sư, kế toán trưởng hay chủ tiệm tạp phô bên xứ người - tuyệt nhiên không có ai học chuyên ngành dịch thuật hay lịch sử cả. Thế nhưng, trong 8 năm qua, nhóm Cổ Thư Lâu đã đem đến cho giới độc giả đam mê sử học những tác phẩm giá trị như "Tam Quốc Chí" của Trần Thọ, "Sử Ký" của Tư Mã Thiên ở bản đầy đủ, "Sơn Hải Kinh""Tư Trị Thông Giám" của Tư Mã Quang.

Đặc biệt ở bộ sử biên niên "Tư Trị Thông Giám," vốn gốm 3 triệu chữ cổ văn đã được san định thành 18 tập trong bản tiếng Việt, hiện đã xuất bản đến tập 10. Đây là một dự án dài hơi, rất khó khăn, lắm thách thức, tuy nhiên đã được tiến hành hơn 50%.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh Phạm Thành Long - một trong hai dịch giả tay ngang của nhóm Cổ Thư Lâu - để biết về cuộc chơi đam mê, điên rồ nhưng đầy bền bỉ và khát khao của những người thuộc giới dịch thuật không chuyên nhưng lại thích bao đồng những chuyện “Ngu Công dời núi”.

Sức hấp dẫn của Văn học Sử Trung Quốc

- Anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân để độc giả có thể hiểu thêm về dịch giả Phạm Thanh Long của Cổ Thư Lâu, người đã và đang tham gia 2 dự án lịch sử chuyển ngữ là Tam Quốc Chí của Trần Thọ và Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang?

- Ông Phạm Thành Long: Tôi và gia đình sang định cư tại CH Czech đến nay đã xấp xỉ ba mươi năm, hiện có vài cửa hàng nhỏ ở Praha và Most – một thành phố nằm phía bắc CH Czech, hầu hết thời gian chỉ tập trung vào việc đi đi về về giữa hai nơi lo vận hành kinh doanh, có thể nói từ những năm 20 tuổi cho đến tuổi 53 luôn là một ''tiểu thương chuyên nghiệp''.

- Cơ duyên hay lý do nào đưa anh đến với đam mê lịch sử Trung Quốc? Tại sao không phải là lịch sử châu Âu hay lịch sử CH Czech, đất nước cũng có giai đoạn biến động mạnh mẽ, phức tạp kể từ sau Thế chiến 1 và 2?

- Ông Phạm Thành Long: Từ nhỏ lịch sử và văn hóa đã có sức hút lớn với tôi. Thời bấy giờ, đất nước vừa trải qua hai cuộc kháng chiến, các phương tiện thông tin tuyên truyền, hoạt động giải trí cũng như các loại tư liệu còn tương đối hạn hẹp, ngọn nguồn dẫn dắt và khơi gợi thế hệ chúng tôi tìm hiểu về thế giới chủ yếu đến từ các tác phẩm văn học kinh điển Đông-Tây.

Và ở những chập chững ban đầu đó, văn học kinh điển Trung Quốc - vì yếu tố văn hóa tương đồng - đã đóng góp một phần không nhỏ. Cho đến nay, nhu cầu tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Đông-Tây của tôi vẫn không thay đổi, thậm chí còn tăng, đơn giản vì càng học hỏi càng thấy nhiều điều thú vị, càng thấy kiến thức của mình còn khiếm khuyết.

Phải nói rằng tôi rất may mắn gặp được ở hai diễn đàn Tàng thư viện và Filux, rồi sau đó là ở page Tam quốc diễn nghĩa những người bạn tốt không chỉ khuyến khích và ủng hộ tôi dần dần hoàn thiện khả năng dịch thuật của bản thân, mà còn đồng hành cùng tôi từng bước chuyển ngữ các tư liệu sử Trung Quốc sang tiếng Việt.

Tôi nghĩ những gặp gỡ ấy chính là cơ duyên, là điểm ngoặt lái nghiêng mối quan tâm về lịch sử và văn hóa vốn khá cân bằng của tôi sang phía lịch sử Trung Quốc cổ đại.

- Anh có thể mô tả chi tiết hơn sự đam mê lịch sử Trung Quốc của mình, từ việc đọc các tác phẩm văn học sử, sử học Trung Quốc đến nghiên cứu sâu và cuối cùng là bắt tay vào việc chuyển ngữ những pho sử của Trung Quốc sang tiếng Việt?

- Ông Phạm Thành Long: Thật ra thì tôi không thích hai chữ ''đam mê''. Như đã nói, xuất phát điểm của tôi là những tác phẩm văn học kinh điển. Lúc 5 tuổi, lần đầu tiên tôi được bố đọc cho nghe truyện “Thủy Hử”, bây giờ vẫn nhớ là đoạn Lỗ Đạt đánh Trịnh Đồ. Lên 7 tuổi thì mượn được cuốn “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đầu tiên, là quyển tập 4 trong bộ 13 tập của nhà xuất bản Phổ Thông.

Không khí hào sảng hoặc bi tráng toát ra từ những trang sách ấy để lại sức cuốn hút mãnh liệt và ấn tượng sâu sắc khó phai mờ. Trí óc non nớt trẻ thơ lúc ấy chưa biết phân biệt sự thật và hư cấu. Câu hỏi cấp thiết nhất tức thời bật ra là: ''Rồi xong thế nào nữa?'.

Những sự kiện còn chưa kết thúc sẽ tiếp diễn thế nào, những nhân vật trong truyện sẽ đi đâu về đâu. Sau đó thì thắc mắc dần dần nảy sinh song song với quá trình mở rộng nhận thức.

Từ thắc mắc về tính hư - thực trong một tình tiết của tiểu thuyết lịch sử đến thắc mắc về tính khách quan trong nhận định của một sử thần, từ thắc mắc về kết cục của một nhân vật đến thắc mắc về nguyên nhân của một biến cố, từ thắc mắc về thành bại của một giai tầng đến thắc mắc về thịnh suy của một triều đại.

Đến thời điểm tất cả các tư liệu tiếng Việt sẵn có mà tôi biết cộng với kiến thức học hỏi được thông qua trao đổi trên các diễn đàn không đủ để giải đáp các thắc mắc kể trên, và cách duy nhất có thể làm (thay vì chờ đợi một lúc nào đó có một ai đó làm hộ) là tự học, tự dịch các bộ cổ sử Trung Quốc.

Motivational Quote.png

Có lẽ chỉ từ lúc đó trở đi những tìm tòi học hỏi của tôi mới chính thức bước chân vào ngưỡng cửa của đam mê - nếu đó có thể gọi là đam mê. Và cho tới giờ phút này, tôi nghĩ mình vẫn chỉ loanh quanh ở ngưỡng cửa đó thôi.

Năng lực dịch thuật hoàn toàn do tự học

- Anh có phải là người giỏi tiếng Trung Quốc đủ để tham gia vào việc đọc, chuyển ngữ và hiệu đính các tác phẩm sử học Trung Quốc không?

- Ông Phạm Thành Long: Tôi xin khẳng định là không! Tôi không được đào tạo chuyên ngành tiếng Trung, cũng không được đào tạo chuyên ngành Sử. Và dù có được đào tạo những chuyên ngành đó đi nữa thì với tôi cũng là không đủ. Bởi vì các bộ cổ sử Trung Quốc không chỉ đơn thuần ghi chép lại các sự kiện mà còn phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, từ lễ nghi văn hóa, quân sự kinh tế cho đến địa lý thiên văn.

Có nhiều vấn đề mà đến ngày nay, ngay cả các học giả hàng đầu Trung Quốc cũng không thống nhất được với nhau về cách diễn giải. Cùng lắm thì tôi chỉ dám tự nhận mình là người đủ kiên nhẫn để đi tra cứu diễn giải mà thôi.

- Như anh vừa nói mình không phải là một người học chuyên ngành tiếng Trung Quốc hay chuyên ngành lịch sử Trung Quốc, vậy anh đã học tiếng Trung Quốc như thế nào để có thể dám bắt tay chuyển ngữ và hiệu đính các tác phẩm sử học?

- Ông Phạm Thành Long: Ngoài việc cố nắm vững ngữ pháp cổ văn thì bí quyết của tôi vẫn là chăm chỉ đọc. Đọc và so sánh các bản dịch cổ văn thuộc nhiều lĩnh vực của các dịch giả đi trước với nhau cũng như với nguyên tác tiếng Trung để làm giàu vốn kiến thức, vốn từ ngữ cho mình học hỏi cách biểu đạt.

- Những tác phẩm sử học Trung Quốc như “Tam Quốc Chí” và “Tư Trị Thông Giám” mà anh đã tham gia đều thuộc loại “khoai” bởi được viết bằng cổ văn, thứ ngôn ngữ mà ngay cả nhiều người Trung Quốc hiện đại cũng không thành thạo, hiểu rõ? Vậy làm thế nào mà một dịch giả tay ngang như anh và anh Bùi Thông lại nảy sinh ý định chuyển ngữ sang tiếng Việt?

- Ông Phạm Thành Long: Trước khi bắt tay vào dịch bộ sử “Tam Quốc Chí” của sử gia Trần Thọ, chúng tôi cũng không lường hết được những khó khăn, trắc trở mà bản thân sẽ phải vượt qua. Nhưng mục đích của chúng tôi khi ấy chỉ là dịch cho mình, cho các bạn mình có thêm tư liệu và “Tam Quốc Chí” đã phải trải qua 10 năm mài giũa mới hoàn thành.

10 năm ấy chính là 10 năm tích lũy kinh nghiệm và kiến thức. Trong 10 năm ấy, không chỉ riêng chúng tôi có tiến bộ mà cùng với đà phát triển của công nghệ thông tin, các công cụ tra cứu, các thư viện tư liệu trên nền tảng số cũng có những bước phát triển vượt bậc.

“Tư Trị Thông Giám” là một thử thách mới, không kém khó khăn nhất là khi tính đến khối lượng đồ sộ của nó, nhưng cũng không phải là một thử thách không thể vượt qua.

Brown White Modern Photo Books Quote Facebook Cover .png

- Các anh có thấy ý định và công việc này vượt quá khả năng của mình không? Các anh có sợ các học giả có học thuật chuyên ngành cao thâm đánh giá là “tinh tướng” không? Bởi như tôi biết, trước các anh, chưa hề có ai chuyển ngữ 2 tác phẩm sử học vừa khó, vừa đồ sộ này?

- Ông Phạm Thành Long: “Tam Quốc Chí” “Tư Trị Thông Giám” tự có những giá trị không thể phủ định. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, dự án dịch “Tam Quốc Ch픓Tư Trị Thông Giám” chưa bao giờ giữ một vị trí then chốt không thể không có. Ngành văn hóa nói chung và sử học nói riêng còn có rất nhiều dự án quan trọng và cấp thiết hơn.

Nhóm Cổ Thư Lâu chúng tôi xác định rõ điều đó và cũng xác định rõ vị trí của mình, nỗ lực và cầu thị. Tôi tin là không có ai chê chúng tôi ''tinh tướng'' cả. Còn về khả năng thì thế này, hệ điều hành Windows là sản phẩm của một công ty công nghệ hàng đầu, được sử dụng rộng khắp trên toàn thế giới, nhưng từ khi ra đời cho đến nay liên tục phải bổ sung hoàn thiện.

Công nghệ thông tin mang tính chính xác cao độ còn là như thế huống chi nghành khoa học xã hội. Có lẽ khả năng của chúng tôi chưa chắc đã đủ để mang đến cho người đọc một bản dịch tận thiện tận mỹ, nhưng so với sợ khả năng không đủ rồi không làm gì thì cố gắng làm thật tốt việc mình định làm vẫn tốt hơn.

Sức hấp dẫn của cuộc chơi ngông

- Trong những năm gần đây, có khá nhiều tác phẩm sử học hay văn học sử Trung Quốc được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam đã bị “ném gạch đá tơi bời” bởi cộng đồng độc giả, sử học Việt Nam. Nhóm của các anh có sợ và lường trước nguy cơ mình cũng rơi vào tình cảnh tương tự hay không?

- Ông Phạm Thành Long: Thái độ bài xích cực đoan đối với bất cứ nền văn hóa nào là rất đáng sợ. Ngược lại, du nhập văn hóa tùy tiện bừa bãi không có chọn lọc cũng đáng sợ không kém. Chúng tôi không muốn sa vào những tranh luận cực đoan đó.

- Theo tôi biết, bộ biên niên sử “Tư Trị Thông Giám” của Tư Mã Quang rất đồ sộ, gồm 3 triệu chữ Hán cổ. Hiện nay, nhóm Cổ Thư Lâu của các anh đã xuất bản tới tập 10. Vậy còn bao nhiêu tập nữa để hoàn thành toàn bộ tác phẩm này? Tiến độ chuyển ngữ và hiệu đính của đã tiến hành được bao nhiêu phần trăm. Thời gian dự kiến để các anh kết thúc dự án này?

- Ông Phạm Thành Long: Theo dự định của chúng tôi và đối tác phụ trách phát hành, bộ sách được chia thành 18 tập, tiến độ thông thường là mỗi năm hai tập. Tập 1 đã xuất bản cuối năm 2017, và đáng lẽ theo kế hoạch ban đầu, bộ sách sẽ toàn thành vào năm 2023. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid, chúng tôi bị gãy tiến độ, cho nên đến tháng 4/2024, mới ra mắt đến tập 10.

- Tư Trị Thông Giám được soạn theo lối biên niên? Vậy làm thế nào để các anh lại san định ra được 18 tập? Phương pháp khoa học nào là nguyên lý để các anh quyết định chia như thế?

- Ông Phạm Thành Long: Nguyên tác "Tư Trị Thông Giám" được chia thành 16 kỷ dài ngắn bất đồng lần lượt biên chép về 16 triều đại mà nhóm soạn giả Tư Mã Quang định danh là chính thống.

Chúng tôi và đối tác phụ trách phát hành nhất trí bám theo kết cấu có sẵn của nguyên tác, ngoài những kỷ quá dài như Hán, Tấn, Lương, Đường bắt buộc phải chia nhỏ, còn lại thì gói gọn trong một tập, tránh để lịch sử của một triều đại bị trình bày vắt từ tập nọ sang tập kia khiến độc giả khó theo dõi trọn vẹn.

- Các tác phẩm sử học như “Tam Quốc Chí” và “Tư Trị Thông Giám” dù rất hấp dẫn nhưng rõ ràng không thể sánh bằng tác phẩm văn học sử như “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. Với số lượng văn tự lên tới 3 triệu chữ cổ văn, làm thế nào để các anh giữ được sự hấp dẫn để giữ bạn đọc trên trang sách? Nhờ giọng văn, nhờ cách diễn đạt hay nhờ tính chính xác chân thực của mọi dữ kiện xuất hiện trong sách?

+ So với các tiểu thuyết lịch sử như “Tam Quốc Diễn Nghĩa” rõ ràng “Tam Quốc Chí”, “Tư Trị Thông Giám” chưa được phổ biến rộng rãi bằng. Nhưng cho là cổ sử không hấp dẫn bằng tiểu thuyết lịch sử thì cũng không hẳn.

Vì nhiều lý do khác nhau, cho đến gần đây, cổ sử Trung Quốc mới được giới thiệu đến đông đảo độc giả, là một nguồn tư liệu mới có sức hấp dẫn cực lớn phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu vốn có sẵn từ lâu của một phần không nhỏ người đọc không chỉ bằng lòng với các tình tiết nửa thực nửa hư trong tiểu thuyết lịch sử.

son hai kinh.jpg

Ví dụ điển hình là bộ “Sơn Hải Kinh” do dịch giả Nguyễn Đức Vịnh, một thành viên của nhóm Cổ Thư Lâu chuyển ngữ, nhà sách Trí Thức Trẻ phát hành đã hết hàng 200 bản đặc biệt ngay trong 60 phút đầu tiên mở đặt sách online.

Về phần chúng tôi khi dịch “Tam Quốc Chí”, “Tư Trị Thông Giám” thì luôn lấy chuyển tải chính xác nội hàm của nguyên tác, bảo tồn văn phong giản phác của soạn giả, lưu giữ hình thức biền ngẫu của cổ văn làm mục tiêu, cố gắng truyền đạt tới độc giả không chỉ nội dung mà còn cả phong khí thời cổ đại.

- Là một người kinh doanh bận rộn, phải gánh vác cả trách nhiệm “tề gia” cũng như phải chia sẻ nhiều vai trò trong xã hội, làm thế nào để các anh có thời gian đọc, tra cứu, chuyển ngữ, hiệu đính? Việc tham gia vào dự án này có tốn nhiều thời gian của các anh không? Anh có thể chia sẻ, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng trung bình mất bao nhiêu thời gian để làm công việc này?

- Ông Phạm Thành Long: Nói đến đây thì lại phải trở lại với lý do tại sao tôi không dám chính thức định danh qua trình tham gia dịch “Tam Quốc Chí”, “Tư Trị Thông Giám” là thực hiện ''đam mê''. Chúng tôi không trầm mê với việc dịch sách. Tôi và các thành viên Cổ Thư Lâu khác cũng thế, nếu phải lựa chọn, chúng tôi đều ưu tiên làm tròn bổn phận của mình với gia đình, với xã hội trước.

Tôi thích gọi việc dịch sách là một thú vui hơn, thường thì tôi dùng việc dịch sách làm công cụ giải trí, giảm căng thẳng trong cuộc sống thường nhật. Thời gian dành cho dịch sách của tôi cũng không có gì nhất định, có khi chỉ được một giờ, có khi lại liện tục 3 - 4 giờ.

Vai trò của những dịch giả tay ngang

- Khi thực hiện dự án này, các anh có gặp phiền toái nào từ phía gia đình, công việc bởi vì rõ ràng họ đã bị “chiếm đoạt” một phần thời gian trong quỹ thời gian của các anh không, khi mà các anh không chuyên nghề dịch thuật?

- Ông Phạm Thành Long: Gia đình luôn là chỗ dựa, là động lực của tôi. Có lẽ gia đình cũng yên tâm và hài lòng khi thấy tôi chọn việc dịch sách làm thú vui, tuy có tốn chút thời gian những cũng còn hơn là làm những thứ vô bổ.

- Các anh đã nhận được giá trị gì khi hoàn thành những tác phẩm khó làm, khó in, khó bán này không? Tiền bạc, danh tiếng, sự ghi nhận của cộng đồng, hay niềm vui cá nhân cô độc?

- Ông Phạm Thành Long: Với tôi giá trị lớn nhất trên hành trình dịch sách của mình là tìm thấy và kết giao với rất nhiều người bạn cùng chung sở thích. Tiếp đến là tăng trưởng nhận thức, thông qua tra cứu tư liệu hiểu rõ cổ sự, rút ra bài học nhân sinh cho bản thân.

- Trong giới chuyển ngữ Việt Nam, có sự xuất hiện đông đảo và đóng góp lớn của các dịch giả không chuyên, tay ngang. Các anh đánh giá thế nào về nhóm dịch giả âm thầm này? Phải chăng các anh cũng được truyền cảm hứng từ những người như thế trước đây và hiện tại?

- Ông Phạm Thành Long: Nghành dịch thuật đang hòa chung với xu thế xã hội hóa của thời đại. Ngày càng có nhiều dịch giả nghiệp dư tham gia hoặc tự tổ chức các dự án dịch thuật. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, còn gì tốt hơn khi càng ngày càng có nhiều nguồn lực xã hội được vận dụng để phổ cập và truyền bá trí thức.

- Song hành cùng 2 dịch giả Bùi Thông và Thành Long là nhóm Cổ Thư Lâu. Xin hỏi, nguyên nhân nào khiến Cổ Thư Lâu hình thành và nó có chức năng gì?

- Ông Phạm Thành Long: Cổ Thư Lâu là một nhóm bạn bè có chung mối quan tâm đến các thư tịch cổ sử Trung Quốc. Đúng như tên gọi, nhóm hoạt động xoay quanh công tác dịch thuật, phân tích, tìm hiểu các thư tịch cổ Trung Quốc. Chúng tôi giúp nhau trong những dự án đã hoàn thành như “Tam Quốc Chí”, “Tư Trị Thông Giám”, “Sơn Hải Kinh”, “Sử Ký” và tiếp theo là “Hán Thư”, “Hậu Hán Thư”

- Anh đánh giá về vai trò của các thành viên chủ chốt trong nhóm này như Nguyễn Đỗ Thuyên, Trần Tiến, Nguyễn Đức Vịnh như thế nào? Họ làm những công việc gì ngoài đời và trong dự án này? Họ tham gia vào giai đoạn nào của việc hoàn thiện các tác phẩm?

- Ông Phạm Thành Long: Vai trò của các thành viên Cổ Thư Lâu trong dự án “Tư Trị Thông Giám” vô cùng quan trọng. Cho đến nay trách nhiệm biên tập hậu kỳ bản dịch “Tư Trị Thông Giám” chủ yếu do các thành viên của nhóm thực hiện. Công tác hiệu đính toàn bộ do dịch giả Nguyễn Đức Vịnh phụ trách.

Hầu hết lời nói đầu mỗi tập do Nguyễn Đỗ Thuyên và Trần Tiến thay nhau biên soạn. Có thể khẳng định đóng góp của các thành viên Cổ Thư Lâu cho dự án này là không thể tính đếm. Người ta thường nói: ''Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau.'' Để hoàn thành một dự án dài hơi như “Tư Trị Thông Giám” mà không có sự hỗ trợ giúp đỡ của các thành viên trong nhóm, chắc chắn khó khăn sẽ tăng thêm gấp bội.

- Cổ Thư Lâu có giấc mơ Lớn không cho dù nó hoang đường hay thực tế? Giấc mơ lớn đó có bị ảnh hưởng bởi cá tính của từng thành viên trong nhóm không? Bản thân 2 dịch giả là 2 nhân vật chủ chốt của các tác phẩm dịch thuật và Cổ Thư Lâu sẽ làm gì để dung hoà những ảnh hưởng do cá tính cá nhân nếu có?

- Ông Phạm Thành Long: Khái niệm “giấc mơ lớn” tùy thuộc vào cái nhìn của mỗi người, mỗi thời điểm. Dự án “Tư Trị Thông Giám” ban đầu cũng làm chúng tôi choáng ngợp vì khối lượng đồ sộ của nó, nhưng đến nay, nhìn lại nửa chặng đường thì dự án không còn là một đỉnh dốc không thể vượt qua nữa.

Nhìn lên phía trước, tuy rằng bể học mênh mông vô bờ, những thư tịch mà nhóm chúng tôi quan tâm yêu thích còn nhiều vô số, có điều tự nhận mình có một giấc mơ gì lớn thì trái với tâm tư khiêm nhường và cầu thị vốn gắn kết cả nhóm với nhau.

- Cơ duyên, vai trò của nhà sách Tri Thức Trẻ trong việc xuất bản những sản phẩm dịch thuật của Cổ Thư Lâu?

- Ông Phạm Thành Long: Nhà sách Tri Thức Trẻ là đơn vị đã đặt trọn niềm tin vào bản dịch bộ cổ sử “Tam Quốc Chí” do nhóm dịch giả nghiệp dư chúng tôi thực hiện, cũng là công ty kiên trì theo đuổi dự án “Tư Trị Thông Giám” kéo dài hàng chục năm của chúng tôi.

Giữa Cổ Thư Lâu và Tri Thức Trẻ không đơn thuần chỉ là đối tác mà gắn bó với nhau bằng quan hệ bè bạn sóng vai từng bước trưởng thành. Tất cả các đầu sách nhóm Cổ Thư Lâu dịch thuật đến nay đều do đối tác đáng tin cậy này phát hành và tôi hy vọng tiếp tục sẽ cộng tác với Tri Thức Trẻ trong nhiều dự án tiếp theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục