Cô Tô hướng tới là Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, đảo cấp quốc gia

Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập huyện đảo Cô Tô và khai mạc Tuần Du lịch năm 2024 sẽ diễn ra tối 24/3 tại Quảng trường Di tích Quốc gia Đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo tiền tiêu.

Một góc Cô Tô nhìn từ chùa Trúc Lâm. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Một góc Cô Tô nhìn từ chùa Trúc Lâm. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Huyện đảo Cô Tô vừa công bố danh sách chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện (23/3/1994-22/3/2024), nhằm quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người Cô Tô đến du khách trong và ngoài nước.

Nổi bật nhất là chương trình Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập huyện và khai mạc Tuần Du lịch năm 2024 với chủ đề: “Huyện Cô Tô 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển" sẽ diễn ra từ lúc 19h30 đến 21h30 ngày 24/3 tại Quảng trường Khu Di tích Quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo tiền tiêu Cô Tô.

Dịp này, Cô Tô vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Dự kiến, khoảng 3.000 đại biểu và du khách sẽ tham dự chương trình.

TTXVN_2003CoTo2.jpg
Những con tàu sẵn sàng ra khơi. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Chương trình Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập huyện đảo Cô Tô gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần hội gồm 4 chương: Cô Tô hội tụ dòng chảy văn hóa biển; Cô Tô hành trình khát vọng; Cô Tô điểm hẹn hòn ngọc Xanh và Cô Tô biển gọi.

Bên cạnh lễ kỷ niệm, Cô Tô còn tổ chức chuỗi 30 hoạt động và 18 sự kiện tiêu biểu, thiết thực chào mừng 30 năm thành lập huyện như Lễ hội mở cửa biển, Cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Cô Tô, Lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện, Triển lãm ảnh nghệ thuật về Cô Tô, Cuộc thi đua thuyền kết nối 12 huyện đảo trên toàn quốc, Giải bơi vòng quanh đảo Cô Tô lớn chiều dài 30km đề nghị xác lập kỷ lục Việt Nam, Cuộc thi ảnh “Cô Tô trong trái tim tôi,” hội thảo và ra mắt cuốn sách “Địa chí Cô Tô”

Chuỗi sự kiện Lễ kỷ niệm 30 thành lập huyện đảo Cô Tô là cơ hội giới thiệu và quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, văn hóa Cô Tô cùng những tiềm năng du lịch và cơ hội phát triển trong tương lai của huyện đảo đến với du khách trong và ngoài nước; thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Cô Tô có diện tích tự nhiên trên 47km2, dân số khoảng 6.700 người, với hơn 30 đảo lớn, nhỏ; trong đó, có 03 đảo lớn nhất là Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần (còn gọi là đảo Chằn hay Chàng Tây).

Đây là một trong những tiền đồn, có vị trí hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại,… trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

TTXVN_2003CoTo3.jpg
Hoàng hôn trên đảo Cô Tô. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ xa xưa nơi đây là điểm trú ngụ của thuyền bè và ngư dân vùng biển Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển quấy phá.

Năm 1832, Tổng đốc Hải An là Nguyễn Công Trứ đã xin triều đình cho thành lập làng, xã và cắt cử người cai quản, canh phòng giặc từ hướng biển. Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc (1954), Đảng và Nhà nước ta chủ trương thành lập đơn vị hành chính cấp huyện trên đảo Cô Tô.

Ngày 09/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Cô Tô và đây là nơi đầu tiên được dựng tượng toàn thân Hồ Chủ tịch khi Người còn sống.

Địa hình ở Cô Tô được kiến tạo: phần giữa nhô cao, xung quanh là đồi, núi thấp và những cánh đồng hẹp, ven các đảo có những bãi cát, bãi đá và vịnh nhỏ, đất đai chủ yếu là đất phelarit trên sa thạch. Mô hình kinh tế của huyện đảo Cô Tô là nông-lâm-ngư nghiệp và dịch vụ du lịch, trong đó tập trung chủ yếu là đánh bắt và chế biến hải sản.

Riêng hải sản của Cô Tô có giá trị kinh tế cao so với cả nước, gồm các loài, như cầu gai, cá hồng, cá song, cá mú, cá chim, ghẹ, tu hài... Bên cạnh đó, Cô Tô cũng chú trọng sản xuất nông nghiệp với đặc sản là cây cam được trồng tập trung trên đảo Thanh Lân.

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng ở Cô Tô được đầu tư khá đồng bộ, nhất là hệ thống điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt, đường giao thông, y tế, trường học.

Hiện nay, Cô Tô chú trọng phát triển dịch vụ du lịch và lĩnh vực này đang từng bước khẳng định vai trò mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế, khi nơi đây được coi là điểm du lịch hấp dẫn với vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển nước trong, bờ thoải cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Vùng biển Cô Tô cũng được coi là vùng đa dạng sinh học hàng đầu ở Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung.

Thời gian tới, trên cơ sở tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổng thể phát triển của tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô tập trung phát triển theo hướng mở cửa, hội nhập, có tầm nhìn dài hạn, bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Cô Tô sẽ thu hút các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phát triển các ngành có lợi thế. Coi trọng xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên đảo.

Đồng thời, lấy phát triển kinh tế làm cơ sở để tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ địa bàn và lấy bảo đảm quốc phòng, an ninh làm tiền đề để phát triển kinh tế, phấn đấu đưa Cô Tô thành “Khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng biển, đảo cấp quốc gia” và cũng là tiền đồn hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục