Con người ở thời kỳ đồ đá cũng đã chơi nhạc

Dù sơ khai tới mức tồn tại bằng cách gặm thịt sống, con người ở thời kỳ Đồ Đá cũng đã biết chơi nhạc.

Dù sơ khai tới mức tồn tại bằng cách gặm thịt sống, con người ở thời kỳ Đồ Đá cũng đã biết chơi nhạc.

Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà khảo cổ Đức phát hiện một chiếc sáo 35.000 năm tuổi trong một chiếc hang ở thung lũng Ach thuộc miền Nam nước này.

Chiếc sáo dài 22cm, đường kính rộng 2,2cm, được tìm thấy trong tình trạng gần như nguyên vẹn. Nhạc cụ này được người chế tác gọt đẽo bằng công cụ đồ đá từ một đoạn xương cánh của một con kền kền khổng lồ.

Một đầu cây sáo có những vết đánh dấu chính xác ngay sau 4 lỗ sáo đầu tiên, có thể do nhà chế tác muốn cắt ngắn nhạc cụ của mình. Đầu kia có 2 vết khứa sâu hình chữ V là vị trí thổi sáo.

Ông Nicholas Conard, Giáo sư Đại học Tubingen của Đức và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết chiếc sáo làm bằng xương có thể tạo ra những âm thanh giống nhiều loại sáo hiện đại.

Cạnh cây sáo làm bằng xương, các nhà khảo cổ còn phát hiện một bức tượng phụ nữ lộng lẫy, các bộ phận của 3 chiếc sáo làm bằng ngà, một số mảnh vỡ của những dụng cụ gọt đẽo làm bằng đá, nhiều mảnh xương, ngà voi mamút hoặc sừng nhiều loại động vật khác, cùng với các loại nước khoáng, chì than, máu và mỡ động vật mà con người thời kỳ Đồ Đá dùng để vẽ. Kỹ thuật làm những chiếc sáo bằng ngà còn tinh xảo hơn nhiều, có sử dụng một loại keo dán nào đó.

Theo các nhà nghiên cứu, chiếc hang chứa những hiện vật này giống xưởng chế tác của một nghệ sĩ thực thụ và các hiện vật tìm thấy tại đây chứng tỏ những người mới di cư đến vùng Thượng sông Danube được thừa hưởng nền văn hóa âm nhạc phong phú lâu đời ở khu vực này.

Sử dụng kỹ thuật tính niên đại bằng cácbon phóng xạ, ông Conard cho rằng những chiếc sáo vừa tìm thấy được chế tác cách đây ít nhất 35.000 năm, lâu đời hơn 5.000 năm so với chiếc sáo được cho là cổ nhất trước đó.

Theo ông Conard, âm nhạc không đóng góp trực tiếp cho sự tiến hóa của con người hiện đại, nhưng có thể nó đã tạo thuận lợi cho quá trình mở rộng về mặt nhân khẩu và nơi sinh sống của họ. Đây là một trong những khác biệt giữa con người thời kỳ đồ Đá và giống người Neandertan.

Nghiên cứu này sẽ được công bố trên tạp chí "Tự nhiên" của Anh ra ngày 25/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục