Theo thống kê của tổ chức công đoàn, đến nay đã có khoảng gần 14.000 công nhân, viên chức bị nhiễm SARS-CoV-2 và khoảng 500.000 lao động là F1, F2 hoặc đang nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa, giãn cách, hàng triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm, đời sống.
Trong bối cảnh đó, hàng chục nghìn cán bộ công đoàn các cấp đã căng mình phối hợp cùng các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Hàng nghìn cán bộ công đoàn không nề nà khó khăn, vất vả, làm việc ngày đêm để hỗ trợ các lực lượng chuyên môn và vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho công nhân lao động.
Cán bộ công đoàn thành tình nguyện viên chống dịch
Suốt trong những đợt dịch COVID-19, các cán bộ công đoàn “mỗi người làm việc bằng hai”, họ không chỉ đi thăm hỏi, tuyên truyền, phổ biến pháp luật hay thương lượng, giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật. Giờ đây, họ còn luôn sẵn sàng không quản ngại ngày đêm bê vác hàng hoá nhu yếu phẩm, đứng bếp làm muối vừng, mắm ruốc, cá khô... để kịp thời gửi tới những người công nhân, lao động bị cách ly, phong toả do COVID-19.
Hồi cuối tháng Năm, khi đại dịch COVID-19 khiến hàng chục nghìn công nhân lao động tại Bắc Ninh bị phong toả cách ly y tế. Công nhân của các doanh nghiệp làm việc tập trung trong các khu công nghiệp nhưng lại sống rải rác ở các khu dân cư bị phong tỏa, cách ly y tế nên phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết trong phòng, chống dịch và hỗ trợ công nhân. Những ngày ấy, cùng với lực lượng tuyến đầu chống dịch, các cán bộ công đoàn tỉnh Bắc Ninh ra sức “mỗi người làm việc bằng hai” để đảm bảo không có công nhân lao động nào khó khăn mà không được hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh chia sẻ chỉ cần một tin nhắn trong nhóm zalo của cơ quan thôi là dù đang làm việc ở nhà, mọi người nhanh chóng đến cơ quan sẵn sàng bốc vác, tiếp nhận những chuyến hàng ủng hộ từ khắp nơi chuyển về, nhập kho, rồi lại tấp nập bốc xếp lên xe để chuyển đi phân phối cho các địa bàn theo nhu cầu thực tế.
“Anh chị em chúng tôi vẫn luôn nhắc nhau giữ khoảng cách, thực hiện phòng dịch tốt nhất có thể để giữ gìn sức khoẻ để còn lo cho đoàn viên, người lao động của mình. Ở đâu công nhân còn thiếu thốn, nơi đó cán bộ công đoàn chúng tôi ngày đêm trăn trở,” bà Nguyễn Thị Vân Hà nói.
Cho đến tháng Sáu và tháng Bảy, khi đại dịch diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Nam, cán bộ khoác trên mình màu áo xanh công đoàn toả đi khắp nơi ngày đêm tiếp nhận, phân phát hàng hoá đến các điểm để kịp thời hỗ trợ công nhân lao động tại các khu phong toả, cách ly.
Tại khắp các tỉnh miền Nam, những cán bộ, đoàn viên công đoàn phân phát từng bó rau, củ khoai, quả trứng gà và nhiều đồ ăn, thức uống khác đến tận tay những người đang yếu, đang thiếu, đang cần. Họ cũng là lực lượng đầu tiên xung phong làm tình nguyện viên hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại các công ty, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện tại 63/64 tỉnh, thành phố, các cấp công đoàn trên khắp cả nước đã vận động, phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều hình thức đồng hành cùng người lao động như: Lắp đặt cây ATM gạo, bán hàng giảm giá, phiên chợ 0 đồng, siêu thị 0 đồng; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện, nước sinh hoạt cho đoàn viên, người lao động... với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Ở đâu có tổ chức công đoàn, ở đó có hoạt động chăm lo cho công nhân lao động.
Nhiều công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; thương lượng với người sử dụng lao động để bố trí các phương án lao động phù hợp, bảo vệ việc làm cho người lao động; tư vấn, hướng dẫn hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và trả lời thắc mắc của người lao động nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động, tránh xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Đối với người lao động phải cách ly, công đoàn cơ sở đã tham gia để doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của người lao động không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định.
Tổ chức công đoàn chủ động phân công cán bộ “trực chiến” phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động xử lý các tình huống phát sinh kịp thời, hiệu quả, nhất là khi có ca mắc mới, ổ dịch mới cần khẩn trương thống kê, truy vết xác định các trường hợp công nhân lao động là F1, F2 để thực hiện cách ly, xét nghiệm tạm thời.
Các cấp công đoàn luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm chăm lo chu đáo cho đoàn viên, người lao động đang ở khu vực bị phong tỏa, khi các điều kiện an toàn đưa cán bộ công đoàn, các tình nguyện viên vào trao quà, nhu yếu phẩm cho công nhân lao động; không để đoàn viên, người lao động trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói.
Điểm tựa của hàng triệu người lao động
Trong suốt đợt dịch lần thứ tư, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã được hình thành từ đề xuất của tổ chức công đoàn. Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ chính thức của tổ chức công đoàn đã giúp cho hàng triệu lao động vượt qua khó khăn.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, từ ngày 27/4/2021, để góp phần san sẻ những khó khăn của người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thông qua chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2021 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Gói hỗ trợ theo Quyết định 2606/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã bao phủ tới các đối tượng thuộc diện F0, F1, F2, cho đến các đối tượng khác bị ảnh hưởng do phong tỏa, cách ly y tế. Với từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng, đoàn viên, người lao động được hỗ trợ kịp thời để vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất.
Anh Hà Văn Ngọc (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là công nhân lao động thuộc diện F1 phải đi cách ly tập trung, sau đó trong gần hai tháng vẫn không được đi làm do công ty chưa hoạt động trở lại, khó khăn cứ nhiều thêm qua từng ngày. Trong giai đoạn khó khăn đó, anh Ngọc được Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang hỗ trợ 500.000 đồng cho đối tượng F1 và công đoàn Công ty TNHH Hosiden Việt Nam hỗ trợ anh 500.000 đồng.
“Có thể một triệu đồng với nhiều người không thấm vào đâu, nhưng một miếng khi đói bằng một gói khi no, cảm ơn tổ chức công đoàn,” anh Ngọc chia sẻ.
Song song với việc trực tiếp hỗ trợ công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19” trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400; phát động chương trình “Vaccine cho công nhân” thông qua Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng…
Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi người lao động, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực vào cuộc với nhiều hình thức đa dạng để thăm, tặng quà cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhất là công nhân ở các khu vực bị cách ly, phong toả.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết phần lớn công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay là lao động di cư, khi khu thuê trọ bị phong tỏa, cách ly y tế, họ không có người thân hỗ trợ, nên sự có mặt sẻ chia, động viên kịp thời của của tổ chức công đoàn là rất cần thiết.
“Đặc biệt, trong bối cảnh đoàn viên, người lao động bị cách ly, giãn cách với số lượng lớn, đã có hàng ngàn cán bộ công đoàn ngày đêm căng mình không quản ngại hiểm nguy, vất vả, để đem được tiền, quà hỗ trợ tới đoàn viên, người lao động,” ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Trong những ngày cả nước đang căng mình để phòng, chống dịch COVID-19, phần lớn đoàn viên, người lao động và doanh nghiệp, nhất là ở những nơi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đều không thể phủ nhận rằng tổ chức công đoàn đã thể hiện rất rõ vai trò dẫn dắt, đồng hành và chính là điểm tựa của người lao động vượt qua khó khăn.
Những trang sử truyền thống vẻ vang trong suốt 92 năm của tổ chúc công đoàn Việt Nam đang được viết tiếp bởi những cán bộ công đoàn hôm nay ngày đêm căng mình cùng người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19./.
Đến nay, các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đã chi hỗ trợ người lao động theo Quyết định 2606/QĐ-TLĐ, với tổng số tiền là hơn 194,6 tỷ đồng, trong đó chi hỗ trợ cho 241.793 đoàn viên, người lao động với tổng số tiền là hơn 138,8 tỷ đồng; chi hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền là 14,5 tỷ đồng; chi hỗ trợ các nhu yếu phẩm với tổng số tiền là 41,32 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã chi hỗ trợ cho 123.599 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là hơn 77 tỷ đồng, mức hỗ trợ bình quân là 623.000 đồng/người. |