Cộng đồng Kinh tế ASEAN hứa hẹn đem đến một kỷ nguyên mới

Sau 13 năm kể từ khi đưa ra ý tưởng thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN đang chuẩn bị bước sang một chương mới trong lịch sử 48 năm hình thành và phát triển.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN hứa hẹn đem đến một kỷ nguyên mới ảnh 1Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ chính thức được thành lập vào 31/12 tới. (Nguồn: dreamstime.com)

Sau 13 năm kể từ khi đưa ra ý tưởng thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đang chuẩn bị bước sang một chương mới trong lịch sử 48 năm hình thành và phát triển của mình.

Ngày 31/12 tới, ASEAN sẽ chính thức thành lập AEC với kỳ vọng tạo dòng chảy ngày càng tự do hơn về dịch vụ, đầu tư, lao động lành nghề và vốn, cũng như đảo ngược tình trạng thương mại giảm sút thông qua việc xây dựng một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất.

Với việc thành lập AEC, ASEAN hy vọng sẽ giúp thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động thương mại của các nước trong hiệp hội vốn đang chững lại trong thời gian gần đây.

Tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) của Anh dẫn nhận định của các chuyên gia nước này cho rằng tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong những năm vừa qua chưa xứng với tiềm lực.

Từ tháng 7/2014 tới nay, hoạt động thương mại trong ASEAN giảm theo tháng. Mặc dù thương mại toàn cầu cũng đi xuống kể từ tháng 6/2013, song xét tương quan thì thương mại trong nội khối (ASEAN) giảm mạnh hơn so với thương mại toàn cầu.

Sự hội nhập khu vực còn yếu được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng yếu kém đáng thất vọng nói trên. Giới quan sát cho rằng về cơ bản, AEC được thành lập cũng là nhằm khắc phục điểm yếu này.

Nhà kinh tế Joseph Incalcaterra thuộc ngân hàng HSBC tại Hong Kong nhận định rằng các nền kinh tế thành viên ASEAN đang tăng trưởng dưới tiềm năng.

Tỷ trọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN trong GDP toàn cầu hiện chỉ khoảng 3,2%, trong khi dân số chiếm 8,7% dân số toàn cầu.

Việc đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng còn hạn chế là nhân tố cản đường chủ yếu, trong khi sự khác biệt về mặt chế độ chính trị là chướng ngại vật không nhỏ.

Tuy nhiên, viễn cảnh tươi sáng mà AEC mang lại là nếu ASEAN có thể trở thành một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, ASEAN chắc chắn sẽ thu hút nhiều đầu tư từ các công ty trên toàn cầu muốn tranh thủ khai thác và tiếp cận thị trường 625 triệu dân này.

Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy thương mại nội khối, đồng thời làm gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Sáu nước lớn nhất trong ASEAN, gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam, hiện mới chỉ dành trung bình khoảng 26% GDP cho đầu tư.

Đầu tư ở mức thấp là một trong những lý do chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng tại một số nước có tốc độ tăng dân số nhanh như Indonesia và Philippines.

Theo đánh giá của các nhà phân tích tại Anh, có lẽ triển vọng trong tầm nhìn AEC sắp trở thành hiện thực là tự do hóa thương mại.

Tới năm 2010, khoảng 99% hàng hóa trong danh mục miễn thuế của sáu nước thành viên ban đầu đã được dỡ bỏ thuế nhập khẩu. Bốn nước gia nhập sau có thêm thời gian đến năm 2016 để dỡ bỏ hoàn toàn thuế này.

Nhịp độ dỡ bỏ thuế quan trong khu vực nhìn chung được đánh giá khá tích cực.

Thương mại nội khối ASEAN hiện chiếm khoảng 25% tổng thương mại của khu vực, song rõ ràng tỷ trọng này sẽ tăng lên một khi các rào cản thuế quan được gỡ bỏ.

Thương mại trong lĩnh vực dịch vụ là một điểm nhấn nữa của AEC. Với mục tiêu triển khai 11 gói tự do hóa dịch vụ, 9 trong số gói này đã được hoàn tất, 2 gói còn lại dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay và năm tới.

Theo ngân hàng HSBC, mặc dù nhịp độ tăng trưởng thương mại dịch vụ có phần chậm lại, song tỷ trọng thương mại dịch vụ trong tổng thương mại của hiệp hội này đã tăng từ 14% năm 2006 lên 20% năm 2015.

Tuy vậy, hội nhập tài chính mới chỉ ở giai đoạn phôi thai. Khung hội nhập ngân hàng (ABIF), với mục tiêu tiến tới tự do hóa lĩnh vực ngân hàng trên toàn khu vực vào năm 2020, vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Diễn đàn các thị trường vốn (ACMF) cũng vậy; mục tiêu của sáng kiến này là phối hợp hạ tầng thị trường vốn trên toàn khu vực, song tới nay mới chỉ có Singapore, Malaysia và Thái Lan hưởng ứng.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, trở ngại lớn nhất đối với việc thực hiện các mục tiêu của AEC là sự khác biệt không nhỏ về trình độ phát triển kinh tế và chế độ chính trị giữa các nước thành viên.

Một trở ngại nữa là việc thiếu năng lực quản lý hành chính. Điều này cũng dễ hiểu khi mà ngân sách hàng năm của Ban Thư ký ASEAN khá "khiêm tốn", chẳng hạn ngân sách năm 2014 chỉ khoảng 17 triệu USD.

Nhà kinh tế Gareth Leather thuộc Capital Economics cho rằng để đạt được mục tiêu đã đề ra, AEC cần phải vượt qua một số rào cản, trong đó phải kể tới như “truyền thống” của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên, thiếu chế tài phạt các bên không tuân thủ, hay chi phí vận tải trong hoạt động thương mại giữa hầu hết các nền kinh tế thành viên vẫn tương đối lớn.

Giới phân tích lưu ý rằng AEC không phải là điểm tựa duy nhất để ASEAN tiến tới một tương lai hội nhập hơn. Ngoài AEC, ASEAN còn tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trong khi đó, các nước thành viên ASEAN như Malaysia, Singapore, Việt Nam và Brunei cũng là các thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bên cạnh đó, mặc dù còn nhiều trở ngại cần phải vượt qua trong bước đường đưa ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, song các nhà kinh tế tin tưởng rằng cho dù tiến trình thực hiện các mục tiêu của AEC có thể chậm lại thì triển vọng của AEC vẫn rất tích cực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục