Công khai thông tin đất đai: Vẫn thực thi theo văn hóa "xin-cho"

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, mặc dù Việt Nam đã có quy định về công khai thông tin trong lĩnh vực đất đai nhưng thực tế tại nhiều địa phương, người dân vẫn khó tìm kiếm thông tin mình cần.
Công khai thông tin đất đai: Vẫn thực thi theo văn hóa "xin-cho" ảnh 1Biểu đồ công khai thông tin đất đai ở các cấp địa phương. (Ảnh: WB)

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mặc dù đã có những quy định về công khai thông tin trong lĩnh vực đất đai nhưng thực tế tại nhiều địa phương, người dân vẫn còn khó tìm kiếm thông tin mình cần.

Điều đáng quan tâm là, hiện nay tình trạng thực thi không đầy đủ các quy định về minh bạch thông tin đất đai vẫn đang tồn tại. Và, những vấn đề tham nhũng, sử dụng đất sai mục đích, lãng phí nguồn lực vẫn tiếp tục kìm hãm sự phát triển của Việt Nam.

Đây là một trong những thông tin vừa được Ngân hàng Thế giới đưa ra tại buổi công bố "Nghiên cứu công khai thông tin quản lý đất đai ở Việt Nam" được tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội.

Báo cáo Công khai thông tin quản lý đất đai ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy, so với năm 2010, công khai thông tin đất đai tại 63 tỉnh, thành phố lần này đã có bước cải thiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, thực trạng công khai thông tin đất đai vẫn chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Tình hình cung cấp thông tin qua kiểm tra trực tiếp theo tỉnh, một số tỉnh vượt lên như Thanh Hóa, Vĩnh Long, Quảng Trị; một số tỉnh ở cuối bảng là Điện Biên, Sơn La, Khánh Hòa, Đồng Nai. Ngoài ra, nhiều thông tin không được tìm thấy trên mạng ở cổng thông tin các tỉnh thành như Đắc Lắc, tỉnh Vĩnh Phúc, Sóc Trăng,…

Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia Quản trị Nhà nước (Ngân hàng Thế giới), trong quá trình nghiên cứu, nhiều cơ quan hành chính vẫn chỉ coi việc niêm yết thủ tục hành chính mang tính hình thức chứ không phải thực sự là để phục vụ nhu cầu của người dân. Đơn cử như việc niêm yết ở góc phòng, hoặc niêm yết ở ngoài trời khu vực để xe, không được tu bổ.

Một số trường hợp, các thủ tục công khai không được cập nhật thường xuyên theo các quy định mới, địa phương ít chú ý tới duy tu bảng tin. Chính vì thế, người dân không thể sử dụng được thông tin đã niêm yết mà vẫn phải chờ xin chỉ dẫn từ cán bộ phụ trách.

Ngoài ra, “các tài liệu liên quan tới kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất thường do cán bộ địa phương cung cấp khi có yêu cầu. Văn hóa xin cho vẫn tồn tại ở nhiều nơi,” bà Hương nói.

Công khai thông tin đất đai: Vẫn thực thi theo văn hóa "xin-cho" ảnh 2Người dân vẫn khó tìm kiếm thông tin cần thiết. (Ảnh: WB)

Đồng tình quan điểm trên, phó giáo sư tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật (Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, đất đai đóng vai trò quan trọng đối với một quốc gia. Đất đai thể hiện sự thịnh vượng của quốc gia đó, đã có nghiên cứu có tới 65% đến 70% đất đai là tài sản của quốc gia.

Theo tiến sĩ Nghĩa, nhiều chính sách 30 năm qua cũng bắt nguồn từ đất đai, sự giàu có của một nhóm người cũng từ đất đai, hay sự bất ổn kinh tế và bất ổn xã hội cũng từ đất đai. Do vây, nghiên cứu về đất đai là cần thiết, và đã có nhiều người cứu được thực hiện và tiếp tục cần có những nghiên cứu nhằm minh bạch trong công khai thông tin về đất đai.

Nhìn nhận ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh đất đai vẫn là một trong những lĩnh vực rất "nóng" về khiếu nại, tố cáo. Do vậy, đây là nghiên cứu rất cần thiết. Qua báo cáo, cho thấy đối tượng cấp xã là cấp người dân có quan hệ trực tiếp nhưng nghiên cứu ở cấp xã chưa sâu.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cũng cho biết, việc nghiên cứu này mới chỉ dừng ở một mặt đó là có chính sách đất đai như vậy thì thực hiện như nào ở các cấp, còn mặt khác đó là việc nghiên cứu chính sách đó đã tốt hay chưa, người thực thi thế nào thì chưa có nghiên cứu.

Qua báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiện kiến nghị báo cáo cần được nghiên cứu sâu hơn, để năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định về quy chế về cung cấp thông tin đất đai, từ đó xem xét thông tin được cung cấp đến người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục