Công nhân ngành ôtô Italy xuống đường, đình công lần đầu tiên sau 20 năm

Cuộc đình công do ba nghiệp đoàn lớn nhất ngành ôtô tại Italy phát động và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa chính phủ với nhà sản xuất ôtô Stellantis.

Hàng nghìn công nhân ngành ôtô đã xuống đường biểu tình và đình công trên khắp Italy trong ngày 18/10. (Nguồn: AP)
Hàng nghìn công nhân ngành ôtô đã xuống đường biểu tình và đình công trên khắp Italy trong ngày 18/10. (Nguồn: AP)

Ngành công nghiệp ôtô Italy đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có khi hàng nghìn công nhân đã xuống đường biểu tình và đình công trên toàn quốc trong ngày 18/10. Đây là cuộc đình công đầu tiên của ngành này trong 20 năm qua.

Cuộc đình công do ba nghiệp đoàn lớn nhất ngành phát động và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa chính phủ với nhà sản xuất ôtô Stellantis.

Hiện tập đoàn sản xuất ôtô lớn thứ tư thế giới này đang có kế hoạch di dời các nhà máy lắp ráp sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn, gây lo ngại về nguy cơ mất việc làm tại Italy và ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.

Trong lý giải của mình, Stellantis cho biết đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian gần đây.

Doanh số bán hàng giảm sút, lợi nhuận sụt giảm (dự kiến lỗ 11,2 tỷ USD trong năm 2024), trong khi áp lực cạnh tranh từ bên ngoài ngày càng tăng khiến hãng phải cắt giảm chi phí sản xuất.

Trong nửa đầu năm nay, sản lượng của Stellantis tại các nhà máy ở Italy đã giảm mạnh, gây lo ngại cho chính phủ và công nhân.

Theo Giám đốc điều hành (CEO) của Stellantis, Carlos Tavares, các quy định về khí thải CO2 của Liên minh châu Âu (EU) là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất tăng cao.

Ông cho biết hãng có thể sẽ phải đóng cửa thêm một số nhà máy nữa do cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời không loại trừ khả năng cắt giảm việc làm nếu như chính phủ không có thêm các sáng kiến để thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục