Công ty châu Á dẫn đầu về đầu tư công nghệ mới

Các công ty ở Châu Á-Thái Bình Dương dành một tỷ lệ lớn hơn trong ngân sách cho CNTT của họ vào việc mua các công nghệ mới nhất.
Theo một nghiên cứu được ủy quyền của Tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T, các công ty châu Âu đang đầu tư vào các công nghệ mới quan trọng như các thiết bị di động và điện toán đám mây ít hơn so với các đối thủ châu Á của họ.

Kết quả nghiên cứu được trên được Insead (Trường Đào tạo Kinh doanh cho Thế giới) công bố ngày 29/1 cho thấy các công ty ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dành một tỷ lệ lớn hơn trong ngân sách cho công nghệ thông tin (IT) của họ vào việc mua các công nghệ mới nhất và mong muốn tăng các khoản đầu tư này nhanh hơn.

Nghiên cứu cũng cho biết càng đầu tư nhiều hơn vào những công nghệ thông tin đang nổi càng làm tăng khả năng cạnh tranh lên rất nhiều và giúp các công ty đó hoạt động tốt hơn các đối thủ của họ.

Insead xác định có ba lĩnh vực công nghệ quan trọng là các thiết bị nối Internet như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và máy tính bảng, các dịch vụ đám mây và các công cụ cộng tác, bao gồm cả hội nghị và tin nhắn nhanh.

Theo các nhà nghiên cứu, các công ty châu Á có kế hoạch tăng chi phí vào di động từ 12% trong ngân sách IT năm 2010 lên tới 30% trong năm 2015, trong khi đó đầu tư vào dịch vụ đám mây sẽ tăng từ 17% lên 31% và các công cụ cộng tác sẽ tăng từ 18% lên 26%.

Các công ty châu Âu cũng có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào các thiết bị mới nhưng sẽ không theo kịp ngân sách của các công ty châu Á.

Thiết bị di động sẽ chiếm 20% tổng ngân sách IT vào năm 2015, so với 12% trong năm 2010, trong khi đầu tư vào các dịch vụ đám mây sẽ tăng từ 12% đến 23%, và các công cụ hợp tác tăng từ 16% lên 17%.

Mặc dù các công ty châu Âu chi ít hơn cho công nghệ mới, nhưng những đầu tư trước đây và có sở hạ tầng kỹ thuật số tốt hơn có thể giúp các khoản đầu tư mới mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo rằng các công ty châu Á “phải cẩn thận không được quá vội vàng nhanh chóng áp dụng công nghệ mới” mà không có một nền tảng vững chắc. Các nhà hoạch định chính sách có thể giúp các doanh nghiệp bằng cách tạo ra một môi trường pháp lý giúp việc lưu trữ và lưu lượng số liệu.

Những kết quả nghiên cứu trên dựa trên những phản hồi từ các giám đốc điều hành cao cấp của 225 công ty đa quốc gia đang hoạt động ở khắp châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương và Bắc Mỹ./.
 
Ngân Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục