Counterpoint: Việt Nam đang vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Hãng phân tích công nghiệp Counterpoint, ngày 30/3 có bài viết cho rằng Việt Nam đang thăng hạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi ngày càng nhiều công ty chuyển hoạt động sang Việt Nam.
Counterpoint: Việt Nam đang vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1Công nhân sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN)

Hãng phân tích công nghiệp toàn cầu Counterpoint có trụ sở tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 30/3 có bài viết cho rằng Việt Nam đang thăng hạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khi ngày càng nhiều công ty chuyển hoạt động sang Việt Nam, nhu cầu thuê cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp của Việt Nam sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, với khả năng cạnh tranh ngày càng cao, cải cách thị trường và điều kiện kinh doanh ngày càng thuận lợi (minh chứng là điểm số cao hơn trong chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới), Việt Nam đang vượt lên trên các đối thủ khác.

Bài viết đăng trên trang counterpointresearch.com nhấn mạnh trong thời đại chủ nghĩa bảo hộ mà nhiều nền kinh tế bị chao đảo bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đang vươn lên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất xuất khẩu. Từ năm 2020-2026, thị trường dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ hằng năm kép là 5%.

Theo Tổng Cục thống kê Việt Nam, tháng 10/2020, lĩnh vực điện tử tiêu dùng của Việt Nam đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay với 369,6 triệu chiếc, tiếp theo là lĩnh vực linh kiện điện tử với 325,7 triệu chiếc.

Với lĩnh vực chế tạo tăng trưởng theo cấp số nhân cùng với nhu cầu nội địa và xuất khẩu ngày càng tăng, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử và ôtô, doanh nghiệp EMS dự kiến sẽ mở rộng quy mô lên tầm cao mới. Nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và nhà cung cấp EMS toàn cầu như Samsung, LG và Foxconn (nhà sản xuất theo hợp đồng cho Apple) đang đầu tư vào sản xuất bảng mạch in, môđun máy ảnh, máy in, máy chủ, điện thoại, thiết bị mạng, tivi và các thiết bị điện tử khác trong nước.

Năm 2020 với gần 70% thị phần điện thoại tại Việt Nam, Samsung là một trong những công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam.

[Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP khá so với khu vực và thế giới]

Việt Nam có một trong những cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của Samsung bên ngoài Hàn Quốc. Đến năm 2022, Samsung dự kiến sẽ hoàn thành trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Việt Nam.

Bài viết cho rằng những yếu tố tích cực đưa Việt Nam trở thành điểm đến thuận lợi cho các nhà sản xuất, gồm việc không ngừng cải thiện chính sách đầu tư và kinh doanh, tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tăng vốn FDI và vị trí địa lý thuận lợi.

Đến năm 2027, Pegatron sẽ đầu tư gần 1 tỷ USD vào nhà máy Việt Nam theo 3 giai đoạn, hướng đến các ngành máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng.

Foxconn cũng đang chuyển một số dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam trong bối cảnh gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung, do đó đang tìm cách giảm thiểu rủi ro sản xuất. Foxconn cũng được cấp phép xây dựng một nhà máy trị giá 270 triệu USD để sản xuất máy tính xách tay và máy tính bảng tại Việt Nam.

Google cũng đang chuyển sản xuất thương hiệu điện thoại thông minh Pixel cho thị trường Mỹ sang Việt Nam. Nhiều khả năng Google sẽ chuyển hoạt động sản xuất phần cứng sang Việt Nam. Các công ty như Samsung, Intel và Microsoft cũng đang triển khai các kế hoạch tương tự.

Xiaomi cũng đang hướng tới việc tận dụng nguồn lao động giá rẻ và các điều kiện thị trường thuận lợi khác tại Việt Nam. Mới đây, công ty này đã khai trương nhà máy lắp ráp điện thoại đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo bài viết, Việt Nam được biết đến với các chiến lược toàn diện, kéo dài từ 5-10 năm như “Sản xuất tại Việt Nam 2025: Chiến lược và chính sách công nghiệp năm 2025” và Tầm nhìn năm 2035. Những chính sách này không chỉ giúp thay đổi tăng trưởng của Việt Nam trong 30 năm qua, mà còn tạo điều kiện tiếp nhận ngành công nghiệp từ Trung Quốc, bao gồm cả sự chuyển dịch do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục