CPI tháng 8 tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay

Với các giải pháp kiềm chế lạm phát được thực hiện kiên trì, quyết liệt, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng Tám đã hạ nhiệt rõ rệt với mức tăng 0,93%, thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/8 cho thấy CPI tháng Tám đã tăng 0,93% so với tháng Bảy và tăng 23,02% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng như vậy, CPI bình quân 8 tháng qua đã tăng 17,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
Với các giải pháp kiềm chế lạm phát được thực hiện kiên trì, quyết liệt, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng Tám đã hạ nhiệt rõ rệt với mức tăng 0,93%, thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/8 cho thấy CPI tháng Tám đã tăng 0,93% so với tháng Bảy và tăng 23,02% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng như vậy, CPI bình quân 8 tháng qua đã tăng 17,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.

CPI tháng Tám tăng ở 10/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,21-1,35%; trong đó có ba nhóm hàng hóa có mức tăng trên 1%, còn lại đều tăng dưới 1%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,06%.

Trong tháng Tám, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục dẫn đầu về mức tăng giá với 1,35%; trong đó, thực phẩm tiếp tục tăng tới 1,55%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,59%, còn lương thực quay đầu tăng nhẹ 0,46%.

Tiếp theo là nhóm giáo dục với mức tăng 1,13% do giá một số đồ dùng học tập tăng và một số trường cao đẳng tăng học phí trong năm học mới; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,01%.

Các nhóm hàng hóa có mức tăng dưới 1% gồm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,89%; may mặc và giầy dép với mức tăng 0,79%; đồ uống, thuốc lá tăng 0,55%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,51%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; giao thông tăng 0,21%.

Vụ trưởng Vụ giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết: CPI tháng Tám “hạ nhiệt” rõ rệt là nhờ sự giảm tốc của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa chung. Hiện giá lương thực tại miền Bắc đã hạ rõ rệt nhờ vào vụ thu hoạch.

Bên cạnh đó, giá thực phẩm đã giảm tốc so với tháng Bảy, trong đó mặt hàng thịt lợn vẫn tăng trên 3% nhưng so với tốc độ tăng “khủng” của tháng Bảy thì chỉ bằng một nửa.

Đặc biệt, trong tháng Tám, tốc độ tăng CPI của đầu tàu kinh tế cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm mạnh mẽ (chỉ tăng 0,68%) nên có tác dụng “hãm” CPI cả nước tăng chậm lại.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, CPI tháng Chín sẽ tiếp tục giảm tốc với mức tăng nhẹ dưới 0,9%. Tuy nhiên tháng Chín là tháng có ngày nghỉ lễ 2/9 và trùng với thời điểm mưa bão gia tăng nên giá cả nhóm lương thực, thực phẩm và hàng ăn vẫn chưa thể giảm mạnh, mặc dù đàn gia súc gia cầm đang được tái đàn trở lại sau dịch bệnh

Vì vậy, các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát cũng như các chương trình bình ổn hàng thiết yếu, nhất là tại các vùng khó khăn, các khu công nghiệp, khu ký túc xá - nơi có các đối tượng thu nhập thấp sinh sống.

Cũng trong tháng Tám, giá vàng trên thị trường tự do tiếp tục tăng bất thường do giá vàng thế giới liên tục tăng, cũng như các yếu tố đầu cơ thổi giá trong nước. Cụ thể, giá vàng tháng Tám đã tăng 8,7% so với tháng 7, đưa giá vàng 8 tháng qua tăng 15,33% so với tháng 12/2010 và tăng 38,76% so với bình quân 8 tháng năm 2010.

Bên cạnh đó, giá USD trên thị trường tự do cũng quay đầu tăng 0,26% so với tháng Bảy, khiến giá USD tự do 8 tháng qua tăng 0,32% so với tháng 12/2010 và tăng 9,91% so với bình quân 8 tháng 2010./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục